Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với cựu chiến binh Lò Văn Hoản, bản Muổi Nọi A, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu. Ở tuổi ngoài 80, mắt đã kém, da mồi, tóc sương, nhưng khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những kỷ niệm thời quân ngũ, ông cẩn thận lật giở cho chúng tôi xem từng kỷ vật gìn giữ bấy lâu nay.
-gioi-thieu-ve-ky-vat-cua-nhung-nam-thang-trong-quan-ngu(1).jpg)
Kỷ vật ấy là những bức thư của người thân gửi cho ông khi ông còn trong quân ngũ; chiếc bình bi đông đựng nước đã theo ông khắp nẻo chiến trường; các quyết định điều động đơn vị, quyết định phục viên, Huân chương Kháng chiến… Những ký ức hào hùng hiện về trong ông như thước phim quay chậm, không thể nào quên.
Theo ông kể: Tháng 4/1970, ông Hoản cùng lớp thanh niên tuổi đôi mươi của xã Muổi Nọi, tình nguyện lên đường nhập ngũ, biên chế vào đơn vị C12 - D6 - E148, thuộc Sư đoàn 316. Sau 3 tháng huấn luyện tại Tiểu đoàn 27, đơn vị ông hành quân sang Lào.
Ông Hoản chia sẻ: Trước khi nhập ngũ, tôi từng có thời gian công tác tại Bưu điện tỉnh Sơn La nên được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ làm lính thông tin. Hồi đó, thông tin liên lạc luôn là mục tiêu hàng đầu bị địch đánh phá. Do vậy, những người lính thông tin như chúng tôi thường xuyên phải luyện tập khắc phục sự cố đường dây, rèn luyện kỹ thuật rải dây nhanh qua mọi địa hình, ghim chắc và dò sóng liên lạc vô tuyến điện tốt nhất.
Trực tiếp tham gia chiến đấu ở Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, đến tháng 12/1973, đơn vị ông Hoản tiếp tục hành quân về Việt Nam, tập kết vào Nam tham gia chiến dịch Tây Nguyên, đánh địch ở Buôn Ma Thuột. Từ Nghệ An, đơn vị hành quân bằng ô tô, cứ một trung đội đủ 32 chiến sĩ, ngồi chật một xe, bịt kín thùng. Mỗi chiến sĩ mang đầy đủ quân tư trang, chuẩn bị lương khô ăn trong 7 ngày.
Ông Hoản kể tiếp: Sau khi đến điểm tập kết, đơn vị tiếp tục hành quân bộ. Những đợt hành quân dài ngày, đôi chân phồng rộp, mọng nước, phải lấy kim chích và lấy áo quấn vào chân để tiếp tục hành quân. Vượt lên khó khăn, tôi và đồng đội vững niềm tin, quyết tâm tập kết đúng kế hoạch của chiến dịch.

Trận đánh mở màn được ông Hoản nhớ lại: Đêm 9/3/1975, sau khi chiếm lĩnh trận địa, nhận được lệnh tiến công cứ điểm 500, nơi lính ngụy đóng quân. Từ các hướng, quân ta nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Mở đầu, trinh sát và đặc công phá tan lô cốt, hàng rào, đồng thời, đánh tan cứ điểm của địch. Sáng 10/3/1975, đơn vị tôi phối hợp với các đơn vị khác tiến vào thị xã truy kích và bắt được nhiều quân địch đầu hàng.
Sau chiến thắng ở Buôn Ma Thuột, ông Hoản cùng đồng đội tiếp tục hành quân vào Trảng Bàng, Tây Ninh, thuộc vùng ngoại ô của Sài Gòn, phối hợp cùng các sư đoàn khác tiến vào Dinh Độc Lập. Ông Hoản nhớ lại: Trong thời khắc lịch sử, tôi được tận mắt nhìn thấy lá cờ của quân Giải phóng tung bay trên nóc Bộ Tổng Tham mưu của địch, cùng với lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh phát trên loa truyền thanh, chứng kiến nhân dân Sài Gòn đổ ra đường chào đón quân Giải phóng... Niềm vui ngập tràn, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục giữ vững trận tuyến, đề phòng có quân nổi dậy, quân phản cách mạng đánh trả, quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng.
Với những thành tích trong chiến đấu, cựu chiến binh Lò Văn Hoản được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì. Trở về sau chiến tranh, ông tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia công tác hội ở xã, bản và phát triển kinh tế gia đình, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Được nghe cựu chiến binh Lò Văn Hoản ôn lại ký ức hào hùng năm xưa, chúng tôi hiểu và thêm trân trọng giá trị của hòa bình. Thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay, xin được gửi lời tri ân sâu sắc đến những người lính từng hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân!.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!