Dù chiến tranh đã lùi xa theo năm tháng, nhưng trong tâm trí cựu chiến binh Dương Mạnh Lân, tổ dân phố 3, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, ký ức về những ngày tháng Tư hào hùng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải vẫn còn vẹn nguyên, sống động và thiêng liêng.
.jpg)
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lân nâng niu trên tay chiếc mũ cối gắn ngôi sao 5 cánh của quân giải phóng và chiếc áo Tô Châu bạc màu. Những kỷ vật gắn bó với cuộc đời ông từ ngày còn là người lính trẻ tình nguyện nhập ngũ ra chiến trường.
Ông Lân kể: Tháng 5/1970, lúc đó tôi 17 tuổi đã viết đơn nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, đến tháng 10/1970, được bổ sung vào đơn vị chiến đấu C10D6E148F316, chiến trường C, là quân tình nguyện Việt Nam tại Lào; địa bàn hoạt động chủ yếu là Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Sẩm Thông, Long Chẹn. Trong thời gian chiến đấu tại nước bạn Lào, tham gia nhiều trận đánh và 2 lần bị thương. Tháng 1/1973, Hiệp định Pari ký kết, bộ đội ta tạm rút ra biên giới; tháng 3/1974, đơn vị về nước đóng quân tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, tiếp tục huấn luyện chiến thuật chiến đấu ở đồng bằng.
Hành trình tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, từ tháng 11/1974, đơn vị ông Lân nhận lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam. Vượt qua hàng nghìn cây số, với nhiều đèo dốc trên đường Trường Sơn, địa điểm tập kết là Binh trạm 18 Trường Sơn. Tại đây, đơn vị nghỉ lại 10 ngày và được tổ chức ăn Tết sớm. Sau đó, được giao liên dẫn đường đi liên tục 3 ngày đêm. Khi cách thị xã Buôn Ma Thuột 1 ngày đường, thì đơn vị tạm dừng nghỉ, sau đó tiếp tục hành quân đến điểm tập kết tại bìa rừng và nhận lệnh đào hầm xong trước 2 giờ sáng ngày 10/3/1974.
Ông Lân kể lại, rạng sáng ngày 10/3, khi đó bộ đội đặc công bắt đầu nổ súng tiêu diệt kho Mai Hắc Đế - Sư đoàn bộ 23 ngụy quân, đánh sập nguồn phát điện thị xã Buôn Ma Thuột. Các đơn vị bộ binh ém quân tại vị trí tập kết, cách địch 100 m chờ lệnh tấn công, đơn vị của tôi chiến đấu từ sáng đến 11 giờ vẫn chưa chiếm lĩnh được trận địa, nên quân ta phải tìm cách tiêu diệt những mục tiêu nhỏ lẻ. Địch phát hiện bộ binh ta nằm cách khoảng 50-70 m, chúng dùng súng bắn xối xả làm một số đồng chí bị thương. Lúc đó, xe tăng của ta tấn công yểm trợ, tiêu diệt lô cốt đầu cầu, mở đường cho bộ binh tiến công. Đến 12 giờ cùng ngày, ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột, bắt sống khoảng 200 tù binh.
Sau trận mở màn, ông Lân cùng đơn vị tiếp tục truy đuổi quân địch theo hướng 13 về thị xã Gia Nghĩa và cắt đường 22 hướng Sài Gòn - Tây Ninh, nhằm không cho địch rút quân chi viện cho Sài Gòn. Đơn vị chúng tôi chặn địch ở Ấp Trảng Bàng, Tây Ninh, sau nhiều giờ chiến đấu, đến 10 giờ 30/4/1975, tôi bị thương do hỏa lực của địch và được đưa về Trạm xá tiểu đoàn gắp mảnh đạn và điều trị cùng một số đồng đội.
Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, tiếng Radio của Trạm xá mở hết cỡ để nghe lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh. Anh em chúng tôi hò hét, quên cả đau đớn, nước mắt ai cũng tuôn trào về một niềm hạnh phúc khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất, ông Lân tiếp tục nằm điều trị tại Quân Y Viện Sài Gòn, sau đó, chuyển về nằm điều dưỡng tại tỉnh Hưng Yên. Đến cuối năm 1975, ông tham gia học Trường cấp 3 Khoái Châu, Trường Trung cấp Lao động tiền lương, thuộc tỉnh Hưng Yên; rồi chuyển công tác tại Tỉnh đội Hải Dương và lập gia đình.
Năm 1980, ông Lân ra quân, sau đó chuyển lên Sơn La làm cán bộ ở Ty Lương thực Sơn La, lương thực Sông Mã. Dù trên cương vị công tác nào, ông luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng cho các thế hệ con, cháu noi theo.
Với những đóng góp của mình, ông Dương Mạnh Lân được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất; Nhà nước Lào tặng Huân chương Itxala; Bằng khen của Bộ Quốc phòng về thành tích trong chiến dịch Hồ Chí Minh và nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Vinh dự, tự hào, những người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa vẫn kể cho con cháu nghe về quá khứ hào hùng của thế hệ cha ông, nhắc nhở con cháu phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, ra sức thi đua học tập, lao động xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!