Vào cuối tháng 8, khi nhãn chính vụ đã cơ bản thu hoạch xong, thì nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Yên Châu lại tiếp tục thu hoạch các diện tích nhãn chín muộn. Vụ nhãn muộn năm nay tuy giảm sản lượng, nhưng bù lại được giá cao gấp đôi so với năm 2021 nên nông dân trồng nhãn rất phấn khởi.
Vùng nhãn chín muộn được cấp mã số vùng trồng ở Yên Châu.
Yên Châu là huyện có diện tích nhãn đứng thứ 3 toàn tỉnh với trên 2.760 ha, trong đó có gần 1.710 ha là giống nhãn chín muộn, sản lượng ước đạt hơn 7.430 tấn/năm. Nhãn chín muộn được trồng trên địa bàn huyện chủ yếu là giống Miền Thiết (Hưng Yên) và giống T6 (Đại Thành, Hà Nội); trong đó, giống nhãn Miền Thiết được đánh giá chất lượng và giá bán cao vượt trội hơn hẳn, được trồng nhiều tại các xã Lóng Phiêng, Tú Nang, Chiềng Hặc, Phiêng Khoài.
Người dân xã Lóng Phiêng thu hoạch nhãn.
Lóng Phiêng có diện tích nhãn chín muộn nhiều nhất ở huyện Yên Châu với 580 ha cho thu hoạch, sản lượng hơn 3.000 tấn/năm. Trên địa bàn xã đã có các HTX liên kết với hộ dân tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhãn. Điển hình là HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, có 100 ha nhãn; trong đó, hơn 80 ha nhãn được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Mấy năm gần đây, các thành viên HTX đã lựa chọn và thống nhất thâm canh mô hình nhãn chín muộn đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại không bị tư thương ép giá. Ngay từ đầu vụ, HTX đã liên kết tìm thương lái ở các chợ đầu mối để tiêu thụ nhãn cho thành viên và các bản lân cận. Mỗi ngày HTX thu mua 8-10 tấn nhãn với giá từ 13.000-24.000 đồng/kg để vận chuyển đi bán cho các thương lái chợ đầu mối tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh.
Nhãn được thu gom đến các điểm tập kết.
Anh Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, thông tin: Những năm gần đây, sản phẩm nhãn chín muộn của HTX đều được doanh nghiệp lựa chọn, thu mua để xuất khẩu, quảng bá tại các thị trường. Vừa qua, hơn 2 tấn nhãn của HTX đã được Công ty cổ phần suất ăn hàng không Nội Bài và Công ty cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam thu mua để đưa vào suất ăn tại các chuyến bay. Với toàn bộ diện tích được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ, việc được chọn đưa vào suất ăn của các chuyến bay, thương hiệu nhãn của HTX đã khẳng định chất lượng, quảng bá, nâng tầm giá trị sản phẩm địa phương.
Thương lái thu mua nhãn chín muộn tại xã Lóng Phiêng.
Còn tại HTX Hoa quả Quyết Tâm, xã Tú Nang, có 150 ha nhãn; trong đó, 100 ha nhãn chín muộn. Những ngày này, các thành viên thường xuyên có mặt ở vườn nhãn để thu hoạch nhãn xuất bán cho các thương lái. Thăm vườn nhãn chín muộn có diện tích 4 ha của thành viên Nguyễn Đình Hẹn, chúng tôi được thỏa mắt ngắm nhìn những chùm nhãn trĩu quả.
Anh Hẹn chia sẻ: Việc trồng nhãn chín muộn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu. Đặc biệt, người trồng phải có kỹ thuật thâm canh tốt. Để cây cho thu hoạch vào thời điểm như mong muốn, người trồng phải khoanh gốc, tiện cành để hãm sự phát triển của cây, lùi thời gian ra hoa, đậu quả. Đồng thời, thường xuyên theo dõi lộc, lá của cây để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học an toàn, vừa giữ được cây bền, khỏe, vừa nâng cao hiệu quả canh tác. Năm nay, sản lượng nhãn của gia đình khoảng 80 tấn, với mức giá trung bình là 17.000-20.000 đồng/kg, thu lãi ước đạt trên 1,2 tỷ đồng.
Với ưu điểm chín sau các loại nhãn khác từ 1-1,5 tháng, quả to, mã sáng đẹp, cùi dày, ăn giòn, ngọt nên sản phẩm nhãn của gia đình anh Hẹn và các thành viên trong HTX được nhiều người tiêu dùng ưa thích, giá bán cao gấp 1,5-2 lần nhãn chính vụ. Mặc dù năm nay sản lượng nhãn giảm do thời tiết bất thường, nhưng với việc thực hiện nghiêm ngặt các quy trình chăm sóc, cùng với kinh nghiệm sản xuất lâu năm của các thành viên nên chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhãn được nâng lên, các thương lái, doanh nghiệp đến thu mua đánh giá cao.
Anh Khâu Sùng Kiên, thương lái Trung Quốc, cho biết: Nhãn ở đây rất đẹp, quả đều, đặc biệt có vị ngọt đậm, thơm, được thị trường nội địa Trung Quốc ưa chuộng; thời điểm hiện tại dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hàng hóa lưu thông thuận lợi, chúng tôi thu mua bình quân 10 tấn/ngày.
Nhãn chín muộn huyện Yên Châu có mẫu mã đẹp, đồng đều.
Ông Lại Hữu Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu, cho biết: Trồng nhãn chín muộn là một trong những giải pháp giúp nông dân thu hoạch nhãn rải vụ, tránh bị thương lái ép giá, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu gần 2.200 tấn nhãn chín muộn; dự kiến đến cuối tháng 9 sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích.
Để giữ vững thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh tế từ giống nhãn này, thời gian tới, huyện Yên Châu tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực bám sát các nhà vườn để hướng dẫn các hộ dân, HTX đẩy mạnh ghép cải tạo giống nhãn chín muộn trên giống nhãn cũ; tăng cường quản lý dịch hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, chủ động tuyên truyền, quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nhãn chín muộn và nghiên cứu các biện pháp bảo quản quả nhãn chín muộn đáp ứng yêu cầu rải vụ nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Huyền Thư
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!