Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, huyện Phù Yên đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm cho người dân.
Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Huyện đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đem lại kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp các xã sớm về đích xã nông thôn mới.
Đặc biệt, mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ đang được nhân rộng ra nhiều xã trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện gieo cấy hơn 520 ha lúa theo hướng hữu cơ; trong đó, 130 ha được Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Phù Yên”, góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng, giá trị vững chắc nâng cao vị thế sản phẩm “Gạo Phù Yên” trên thị trường.
Được hỗ trợ của các chương trình, dự án, HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, xã Quang Huy đã chuyển đổi diện tích trồng lúa từ phương pháp truyền thống sang trồng theo hướng hữu cơ. Bà Cầm Thị Ngân, Giám đốc HTX, cho biết: Các thành viên HTX được hỗ trợ kỹ thuật, phân bón; tập huấn quy trình kỹ thuật gieo cấy, sử dụng phân hữu cơ cho từng giai đoạn phát triển của cây lúa; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ sâu bệnh và nước sạch tưới tiêu... Việc trồng lúa theo hướng hữu cơ giúp HTX tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao, an toàn, năng suất đạt gần 7 tấn/ha, làm gia tăng giá trị sản phẩm từ 20-25% so với giá gạo thông thường.
Năm 2008, gia đình anh Lê Văn Toàn, bản Văn Tân, xã Mường Cơi, đầu tư cải tạo 2 ha đất đồi kém hiệu quả sang trồng cam theo hướng hữu cơ. Anh Toàn chia sẻ: Mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch từ 30-50 tấn quả, thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng/năm. Việc trồng cam theo phương pháp hữu cơ giúp bảo vệ sức khỏe cho người trồng và bảo vệ môi trường, chất lượng, giá trị của sản phẩm cũng được nâng lên.
Còn bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, từ một bản nghèo đã trở thành bản nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Phù Yên. Ông Nguyễn Đức Cường, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Bà con bản Nghĩa Hưng đã thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm. Đến nay, bà con không còn phụ thuộc vào một loại cây trồng hay một loại vật nuôi, thay vào đó là những mô hình phát triển chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả có múi, kinh doanh, vận tải... đa dạng, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân.
Kinh tế phát triển, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước trên 2 tỷ đồng, các hộ trong bản Nghĩa Hưng đã đóng góp 730 triệu đồng và hơn 1.300 ngày công đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, như: nhà văn hóa, bê tông đường ngõ xóm, đường nội đồng; hệ thống nước sinh hoạt và điện chiếu sáng, chỉnh trang nhà cửa dân cư. 100% số đường trục bản đã được rải nhựa và đổ bê tông; 100% số hộ đều thực hiện tốt vệ sinh khu dân cư, đảm bảo ngăn nắp, gọn gàng, với 18 điểm thu gom rác thải sinh hoạt; hằng tháng, nhân dân trong bản đều tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tình hình an ninh trật tự được giữ vững.
Có thể thấy, các mô hình không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn giúp đời sống người dân ngày càng được nâng lên, đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện Phù Yên có 10/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đẩy mạnh tái cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm gắn bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, huyện Phù Yên tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!