Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh, những năm qua, huyện Thuận Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều mô hình hiệu quả, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Nhân dân xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, thu hái xoài xuất khẩu

 Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cải tạo vườn tạp và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2022 đến nay, các cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn nhân dân trồng mới 22 ha dứa, 86 ha chanh leo, 5 ha rau chân vịt phục vụ cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco. Tại các xã É Tòng, Long Hẹ, Co Mạ, Mường Bám, Pá Lông, Co Tòng, xây dựng mô hình trồng 3 ha cây khôi nhung; 3 ha cây gừng trâu; 3 ha cây vừng đen; 19 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; 20 ha cây dược liệu các loại. Vận động các hộ liên kết thành lập HTX, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, trong tổng số hơn 4.300 ha cây ăn quả các loại, trong đó trên 3.500 ha trồng bằng các giống chất lượng cao. Đã hình thành 11 chuỗi sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, gồm xoài, cam, bơ, thanh long ruột đỏ, chanh leo, nhãn, khoai sọ, nhãn hữu cơ, cà phê, rau quả trái vụ. 25 cơ sở trồng trọt được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, với trên 400 ha; 10 mã số vùng trồng các loại cây ăn quả, trong đó 2 mã vùng trồng cây xoài với 17 ha đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Úc, DuBai, Nhật Bản. 8 mã vùng trồng xoài, nhãn, thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với tổng diện tích 220 ha. 10 ha bưởi của Công ty CP nông sản sạch Sơn La được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Hơn 300 ha chè, 17 ha cà phê, 7 ha cây ăn quả, 1 ha cây sa nhân được áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel...

Về lĩnh vực chăn nuôi, huyện có 5 doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ cao, với 408 lồng cá, 1.100 đàn ong, 3.000 con lợn, 2,14 ha mặt nước nuôi thủy sản được cấp giấy chứng nhận sản xuất VietGAP. Ngoài ra, sử dụng các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trong việc trồng rừng như sơn tra, mắc ca, dược liệu… Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý toàn cầu như công nghệ GIS, ảnh vệ tinh…trong quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện, đánh giá: Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời, giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm. Riêng năm 2022, huyện đã xuất khẩu 60 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường châu Âu; 1.560 tấn chè sang các thị trường Đài Loan, Trung Quốc; 3.720 tấn cà phê nhân sang thị trường Tây Âu.

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Đặng Quốc Tuấn, bản Nam Tiến, xã Bon Phặng  

Đầu năm 2019, HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, triển khai trồng 10 ha chè theo hướng hữu cơ; các khâu trồng, chăm sóc chỉ dùng phân chuồng ủ mục và phun chế phẩm sinh học. Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX, cho hay: Với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, HTX đã áp dụng thành công mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ. Cuối năm 2019, HTX xây dựng thành công thương hiệu "Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu" và đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, Chè Trọng Nguyên được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia. Hiện nay, HTX chế biến chè xanh với sản lượng 2.750 tấn chè tươi/năm, sản phẩm được bán tại các siêu thị, gian hàng OCOP, làm quà tặng cho các đoàn khách của huyện, tỉnh. Thời gian tới, HTX khảo sát và tiếp tục nhân rộng thêm 5 ha chè hữu cơ.

Gia đình ông Đặng Quốc Tuấn, bản Nam Tiến, xã Bon Phặng, có 12 ha trồng cây vú sữa, mít, nhãn chín sớm, thanh long ruột đỏ, thanh long vỏ vàng ruột trắng, lê tai nung; sản lượng đạt hơn 60 tấn cây ăn quả các loại/năm, trừ chi phí lãi trên 700 triệu đồng. Ông Tuấn cho biết: Tất cả diện tích canh tác của gia đình đều sử dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt và sử dụng phân bón hữu cơ. Vì vậy, 12 ha các loại cây ăn quả của gia đình được nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua, không phải lo đầu ra cho sản phẩm.

Chè Trọng Nguyên là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La.

Với những giải pháp đồng bộ trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và các sản phẩm có lợi thế theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao... nông nghiệp Thuận Châu đã, đang thu được kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới