Triển vọng từ nuôi cá dầm xanh ở Xuân Nha

Trong chuyến công tác về xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, chúng tôi được người dân nơi đây chia sẻ về bí quyết nuôi thành công cá dầm xanh – loài cá cá quý, xưa kia thường được dùng để tiến vua. 

Ao nuôi cá dầm xanh của ông Hà Văn Định, bản Nà Hiềng.

Trước đây, cá dầm xanh ở Xuân Nha chủ yếu được đánh bắt tự nhiên từ dòng suối Quanh chảy qua xã, giá cá bán thương phẩm từ 500-600 nghìn đồng/kg. Nhận thấy đây là loại cá có giá trị kinh tế cao, nhiều hộ gia đình ở Xuân Nha đã tìm bắt cá giống từ suối để mang về nuôi tại ao nhà. Mặc dù là loài cá tự nhiên, xong cá dầm xanh khi nuôi ở trong ao có tỷ lệ sống trên 90%, ít dịch bệnh và nguồn thức ăn chủ yếu là rau cỏ và phụ phẩm nông nghiệp.

Cá dầm xanh nuôi ở Xuân Nha.

Gia đình ông Hà Văn Định ở bản Nà Hiềng, đang sở hữu đàn cá dầm xanh gần 1.000 con trong ao 2 ao cá rộng gần 800 m². Ông Định chia sẻ: Tôi nuôi cá dầm xanh hơn 10 năm nay, điều kiện quan trọng nhất để nuôi cá dầm xanh là nguồn nước sạch, ao nuôi cá phải thiết kế cho nước chảy vào ra thường xuyên, có như vậy cá mới sống khỏe, phát triển tốt và cho chất lượng thịt thơm ngon. Thức ăn của cá dầm xanh chủ yếu là cỏ, lá sắn, lá chuối, gốc lúa... 2 năm gần đây, gia đình tăng số lượng nuôi, dự kiến sang năm sẽ bắt đầu thu hoạch cá dầm xanh với số lượng lớn.

Theo chia sẻ của những hộ dân ở Xuân Nha, cá dầm xanh là giống cá nước lạnh, chậm lớn. Từ lúc nuôi cá con đến lúc đủ trọng lượng xuất bán đạt kích cỡ từ 2 – 3 kg phải mất từ 3 – 5 năm. Hiện nay, cá dầm xanh thương phẩm được bán với giá từ 250 - 300 nghìn đồng/kg.

Anh Ngần Văn Thiết, bản Chiềng Hin thu hoạch cá dầm xanh giống.

Nhận thấy nhu cầu nuôi cá dầm xanh của người dân ngày càng cao, anh Ngần Văn Thiết, bản Chiềng Hin, xã Xuân Nha đã nghiên cứu, tìm hiểu và nhân giống thành công cá dầm xanh. Anh Thiết chia sẻ: Sau thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm, đến nay gia đình tôi đã nhân giống thành công cá dầm xanh bằng phương pháp sinh sản tự nhiên. Từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch hàng năm là thời điểm cá sinh sản. Khu vực nuôi kích thích đẻ trứng được tách riêng. Trứng sau khi đẻ được đưa ra khu vực có nguồn nước sạch, sau khoảng 2-4 ngày thì trứng sẽ nở cá con, khoảng 10 ngày đầu tiên cá con được nuôi dưỡng bằng lòng đỏ trứng gà, sau đó sẽ cho ăn bổ sung cám và bột ngô nấu. Cá giống nuôi khoảng 3 tháng sẽ đạt kích thước khoảng 2 đầu ngón tay và bán cho người dân trong vùng mua về nuôi với giá từ 5.000-12.000 đồng/con. Năm nay, gia đình đã thu 170 triệu đồng từ bán cá dầm xanh giống, trừ chi phí thu lời trên 140 triệu đồng.

Xã Xuân Nha hiện có trên 17 ha nuôi cá dầm xanh, tập trung nhiều tại các bản: Tưn, Nà Hiềng, Chiềng Hin, Nà Lưa, Pù Lầu. Ông Vì Văn Giới, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Nha, cho biết: Mô hình nuôi cá dầm xanh giúp người dân trên địa bàn nâng cao thu nhập. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện cho vay vốn để hỗ trợ người dân mở rộng diện tích nuôi; đưa nghề nuôi cá dầm xanh thành sản phẩm chủ lực của địa phương.

Thức ăn của cá dầm xanh chủ yếu là các loại rau, cỏ và phụ phẩm nông nghiệp.

Nuôi cá dầm xanh đang mở ra thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân nơi đây, vừa góp phần bảo vệ, phát triển loài cá quý, lại mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nuôi. Mô hình nuôi cá dầm xanh ở Xuân Nha cũng thu hút được nhiều người đến thăm quan, tìm hiểu.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới