Những năm qua, tỉnh Sơn La đã ban hành các chính sách thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, từng bước hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Hiệu quả hoạt động các cụm công nghiệp
Tỉnh chú trọng cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, nhất là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách, đảm bảo công khai, minh bạch theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hiện nay, toàn tỉnh 2 cụm công nghiệp với 5 dự án đang hoạt động, gồm: Cụm công nghiệp Mộc Châu và cụm công nghiệp Gia phù (Phù Yên), giải quyết việc làm cho hơn 700 lao động địa phương.
Theo phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2050, Phù Yên được quy hoạch 3 cụm công nghiệp tại xã Gia Phù, Huy Tân và Tân Lang với tổng diện tích hơn 80 ha, trong đó có cụm công nghiệp Gia Phù được UBND tỉnh công bố quyết định thành lập và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 giai đoạn 1 là 38,1 ha. Hiện nay, đã có Nhà máy may Phù Yên (Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Tâm Việt) hoạt động từ tháng 11/2016, với diện tích đất sử dụng 3,4 ha.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Nhà máy may Phù Yên, chia sẻ: Trong quá trình thực hiện các thủ tục xin cấp phép đầu tư, Công ty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực và tạo điều kiện thuận lợi từ các sở, ngành chức năng của tỉnh, huyện. Hiện, nhà máy có một phân xưởng may chính 5.000 m², kho hoàn thiện sản phẩm 1.000 m² thực hiện gia công hàng may mặc xuất khẩu và trang phục của các ngành y tế, dân quân tự vệ, công an xã... tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 600 lao động trên địa bàn với mức lương 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Trong thời gian sắp tới, đơn vị sẽ mở rộng quy mô sản xuất lên 9 ha.
Còn tại cụm công nghiệp Mộc Châu có quy mô 28,82 ha, có 4 đơn vị đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, gồm: Công ty TNHH gas Trung Đức, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, Công ty sản xuất tre công nghiệp Mộc Châu, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nông sản Tây Bắc, với tỷ lệ lấp đầy hiện nay đạt 93,4%. Các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động địa phương, với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, việc phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn, do đặc thù là tỉnh miền núi, xa các trung tâm kinh tế, cảng biển, cửa khẩu, hạ tầng giao thông hạn chế nên không thuận lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng và các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư sản xuất tại cụm công nghiệp.
Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng và phát triển các cụm công nghiệp lớn, trong khi ngân sách địa phương còn hạn chế, hạ tầng đầu tư chưa hoàn chỉnh dẫn đến chưa đủ hấp dẫn để thu hút được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.
Các cụm công nghiệp mới phát huy lợi thế quy mô tập trung về mặt địa lý, còn các liên kết kinh tế rất lỏng lẻo, rất ít liên kết giữa các doanh nghiệp trong cụm với các doanh nghiệp và chủ thể kinh tế khác bên ngoài cụm. Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong nước của tỉnh với các doanh nghiệp FDI cũng rất hạn chế, vì vậy, việc tiếp cận và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài chưa thực sự hiệu quả.
Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có 1 khu hoặc cụm công nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đảm bảo định hướng ít nhất mỗi huyện, thành phố có 1 khu hoặc cụm công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư, xử lý chất thải tập trung, đảm bảo môi trường. Sau khi rà soát, thống nhất, trình xin ý kiến Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Công Thương xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 20 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 818,35 ha.
Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thông tin: Ngành tích cực phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn làm hạt nhân thúc đẩy phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp; ban hành chính hỗ trợ, khuyến khích phát triển khu, cụm công nghiệp và một số lĩnh vực công nghiệp; đề xuất cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong tổ chức liên kết ngành, liên kết mạng lưới doanh nghiệp ở phạm vi liên tỉnh theo cụm ngành liên kết. Phối hợp tham mưu phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các dự án trọng điểm như Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; Dự án cảng hàng không Nà Sản, các tuyến đường kết nối với khu, cụm công nghiệp… tăng cường kết nối đến các trung tâm công nghiệp, cửa khẩu.
Tăng cường phối hợp đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, trong đó tập trung thu hút các dự án đầu tư các sản phẩm chủ lực của tỉnh vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp trên các lĩnh vực không gây ra chất thải, nước thải nguy hại làm ô nhiễm môi trường. Phối hợp với các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh.
Trao đổi với lãnh đạo huyện Phù Yên, ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Với phương châm “rộng cửa đón nhà đầu tư”, huyện Phù Yên tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, kêu gọi, thu hút, các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp. Trọng điểm là tập trung công tác đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp Gia Phù, thu hút các đơn vị vào đầu tư kinh doanh hạ tầng để thành lập các cụm công nghiệp Tân Lang, cụm công nghiệp Huy Tân vào giai đoạn 2025 – 2030. Tạo điều kiện thuận lợi mở rộng các nhà máy sản xuất giày da, may mặc trên địa bàn; tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, dược liệu, ứng dụng công nghệ cao và một số ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Ưu tiên các nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là không chấp thuận các dây chuyền công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
Với khát vọng phát triển, tỉnh Sơn La chú trọng cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực thật sự để vào đầu tư hoạt động hiệu quả, triển khai các giải pháp trong đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ, thu hút được nhiều dự án vào đầu tư phát triển sản xuất, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!