Từ lâu thịt khô là món ăn đặc trưng của Sơn La, Tây Bắc được khách hàng trên cả nước ưu chuộng. Thời điểm cuối năm mặt hàng này càng thêm đắt khách hơn, các sơ sở sản xuất thịt khô trên địa bàn thành phố Sơn La thời điểm này đang hoạt động hết công suất, phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Tại bản Lầu, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, hiện nay, nhiều gia đình vẫn duy trì và phát triển nghề sản xuất, kinh doanh thịt trâu gác bếp. Chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất thịt khô của chị Quàng Thị Thảo, là người có kinh nghiệm hơn 10 năm sản xuất và kinh doanh thịt khô. Chị Thảo chia sẻ: Mới đầu thịt khô được làm để phục vụ trong gia đình và biếu quà Tết. Khi khách đến nhà, gia đình mời thưởng thức thịt khô ai cũng khen ngon và hỏi đặt mua. Năm nay, tôi nhận được rất nhiều đơn hàng, ngoài khách của thành phố còn có khách ở các tỉnh, thành phố khác, như: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên… với số lượng hơn 3 tạ thịt khô.
Theo chị Thảo, để làm ra được một mẻ thịt khô ngon, quan trọng nhất là phải tìm được thịt tươi vừa mổ xong, đem về làm luôn và không rửa qua nước, vì khi thịt dính nước rất dễ bị hỏng. Ngoài chất lượng thịt, gia vị cũng là yếu tố quan trọng, nhất là mác khén là loại quả làm gia vị mang vị thơm đặc trưng nhất của núi rừng tây Bắc. Hương vị của thịt khô phụ thuộc vào bí quyết của từng nhà sản xuất, không có một công thức nhất định.
Hiện nay, chủ yếu là sản xuất thịt trâu, thị bò và thịt lợn khô. Quy trinh sản xuất 3 sản phẩm này đều giống nhau. Khi được tẩm ướp xong, thịt sẽ được phơi dưới nắng, mùa này nắng không quá gắt, nhưng đủ để làm khô miếng thịt hoặc sấy khô trong các lò than, sẽ giúp miếng thịt giữ được độ dai, giòn, đồng thời thấm đẫm gia vị và có chút mùi khói của than củi tạo nên hương thơm đặc biệt.
Thời gian hun khô thịt là 1 ngày đêm, trong thời gian đó củi phải luôn cháy, không quá nhiều khói, nhiệt độ ở mức vừa phải. Sau khi kiểm tra thịt khô đã đạt yêu cầu, thịt tiếp tục được hấp cách thủy trong 1 giờ để làm chín thịt. Miếng thịt khô thành phẩm giữ được độ mềm, ngọt, đậm đà, khi nhai trong miệng sẽ cảm nhận được độ ngọt của thịt, hương thơm đặc trưng của các gia vị tẩm ướp.
Trong những ngày Tết, thịt khô trở thành món ăn không thể thiếu trong các bữa cơm xum họp gia đình. Bà Cao Thị Mai, ở phường Chiềng Lề, chia sẻ: Gần Tết là thời gian rất bận rộn, nhưng năm nào gia đình tôi cũng dành một ngày cuối tuần để làm thịt khô. Tôi mong muốn con cháu hiểu hơn về ẩm thực và văn hóa dân tộc, để các cháu cảm nhận được không khí Tết và quan trọng là để gia đình luôn quây quần bên nhau, giữ gìn truyền thống đoàn viên.
Các công nghệ như máy sấy, hút chân không để bảo quản, cùng với quy trình chế biến vệ sinh an toàn thực phẩm, đã giúp thịt khô giữ được lâu và an toàn cho người tiêu dùng. Sự kết hợp giữa công nghệ và truyền thống đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, dễ dàng tiếp cận và tăng giá trị thương hiệu sản phẩm khi đưa ra thị trường.
Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và nhu cầu “Rẻ - Nhanh - Tiện lợi” đã mở ra những cơ hội lớn cho thịt khô. Các sàn thương mại điện tử lớn, như: TikTok, Shopee, Tiki, cùng các fanpage trên Facebook, Instagram và các website bán hàng chuyên biệt đang trở thành kênh tiêu thụ phổ biến, trong đó bán hàng trên TikTok là nổi bật nhất. Những video trải nghiệm sản phẩm của các KOC, KOL, Tiktoker về thịt khô nhanh chóng trở nên “viral” (phổ biến), kéo theo lượng tương tác và mua sắm tăng vọt. Người tiêu dùng cũng dễ dàng để lại phản hồi ngay dưới bài viết qua bình luận, ảnh, video, tạo thành một cộng đồng ủng hộ và yêu thích sản phẩm.
Ngoài ra, phương thức quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay đổi mới không ngừng. Chia sẻ về trải nghiệm này, bạn Đỗ Thị Thuý Ninh, một người con của Sơn La hiện đang làm việc tại Hà Nội, cho biết: Gia đình tôi đang kinh doanh thịt khô. Tôi đã tạo một trang Facebook “Bếp nhà Mị - Thịt Gác Bếp chuẩn vị Tây Bắc” và tự thiết kế một tấm poster menu. Điều này đã giúp quảng bá sản phẩm và tạo sự minh bạch về giá cả. Sau một thời gian, tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực. Mục tiêu của tôi là kiếm thêm thu nhập và mong muốn mang đặc sản quê hương đến với cộng đồng rộng rãi hơn.
Thịt khô hiện nay được bán theo dạng gói quà Tết, quà biếu, món quà này ngày càng được ưa chuộng bởi tính tiện lợi và ý nghĩa mang lại, giúp người tiêu dùng gửi gắm tình cảm đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp trong các dịp lễ, tết. Qua khảo sát, giá thịt khô tại các cơ sở sản xuất thịt khô và tại các cửa hàng hiện đang giao bán giá trung bình từ 750 nghìn đồng/kg thịt trâu, bò 450 - 500 nghìn đồng/kg đối với thịt lợn… Theo các chủ cơ sở thịt khô, giá thịt tăng hay giảm phụ thuộc vào giá thịt tươi thời điểm đó.
Thịt khô vừa là món ăn ngon, vừa nét ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ sở chế biến thịt khô ngày càng đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, xây dựng bao bì, mẫu mã bắt mắt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và bảo tồn và phát triển văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng núi Tây Bắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!