Sau hơn 35 năm hoàn thành việc di chuyển, di vén và nhường nơi “chôn rau cắt rốn” cho dòng điện của Tổ quốc, kinh tế - xã hội của 9 xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình thuộc huyện Phù Yên còn nhiều khó khăn. Cấp ủy, chính quyền huyện Phù Yên đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp, từng bước đưa các xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 9 xã vùng lòng hồ từ 38-40%. Đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào diện tích đất nương trồng cây lương thực ngắn ngày, đánh bắt thủy sản trên lòng hồ, chăn thả gia súc… Tuy nhiên, địa hình chủ yếu là đồi, núi có độ dốc lớn, việc sản xuất trên nương hằng năm phụ thuộc vào thời tiết. Trong khi đó, đất sản xuất phần lớn đã bạc màu, năng suất các loại cây trồng trên nương ngày càng giảm. Việc đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện cũng phụ thuộc theo mùa nước nổi hoặc đầu mùa nước rút, do vậy, thu nhập của bà con không ổn định.
Ông Cầm Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết: 9 xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình đang được huyện quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng. Thông qua nguồn vốn của Đề án 1460, nguồn vốn giảm nghèo thuộc Chương trình 134,135, Nghị quyết 30a của Chính phủ và Nghị quyết 88 của Quốc hội đầu tư các hạng mục, công trình, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội của nhân dân.
Đến nay, đường giao thông từ huyện về 9 xã đã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; hệ thống điện, nước sinh hoạt, nhà văn hóa bản, các trường học đã cơ bản được đầu tư xây dựng, phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân. Ngoài ra, các công trình trụ sở UBND các xã và trạm y tế đã được hoàn thành.
Huyện còn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát điều kiện tự nhiên các xã, nghiên cứu, đánh giá mức độ phù hợp của việc đưa một số loại cây dược liệu vào trồng dưới tán rừng. Hướng dẫn nhân dân lấy phát triển kinh tế rừng làm mũi nhọn, tạo thu nhập bền vững. Hỗ trợ các hộ dân tự bỏ vốn mua cây tếch giống để trồng rừng, với mức giá ưu đãi từ 1.500-2.000 nghìn đồng/cây. Hằng năm, tổ chức trên 100 lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất, như trồng cây ăn quả, trồng cây lâm nghiệp, nuôi gia súc nhốt chuồng, nuôi trồng thủy sản… cho nhân dân 9 xã vùng lòng hồ.
Đồng thời, tạo điều kiện cho bà con vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình vay nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, với tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên 212 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn trên 104 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình của huyện đã đánh giá rõ những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế, từ đó, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, từng bước đưa chăn nuôi gia súc phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; thay thế diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày năng suất thấp bằng các loại cây trồng mới phù hợp với từng địa bàn; duy trì, mở rộng diện tích trồng các loại cây lâm nghiệp trên đất dốc tại các địa phương; vận động một số hộ dân di chuyển về các điểm tái định cư đã được UBND huyện sắp xếp để ổn định cuộc sống… Đến nay, có 48 hộ, 178 khẩu đã di chuyển đến điểm tái định bản Suối Dinh 1, Suối Dinh 2, xã Mường Bang.
Đồng chí Mùi Thị Loan, Bí thư Đảng ủy xã Đá Đỏ, chia sẻ: Định hướng đưa ra trong phát triển kinh tế, Đảng ủy xã đã đề ra nhóm giải pháp khắc phục hạn chế và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn không có đất sản xuất là kết nối, giới thiệu việc làm cho lao động với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, xã có trên 100 lao động đi làm việc ngoài tỉnh, thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/tháng. Đồng thời, triển khai trồng thử nghiệm 4 ha cây quế, xả Java, cùng một số loại cây hương liệu khác, nhằm đánh giá mức độ phù hợp, trước khi nhân rộng trên địa bàn xã.
Khác với các địa phương khác cùng tiểu vùng, xã Tường Phong có vùng lòng hồ rộng khoảng 300ha của với mực nước tương đối ổn định, phù hợp nuôi cá lồng. Tận dụng lợi thế, xã thành lập HTX thủy sản Tường Phong, với 102 thành viên, quy mô sản xuất 219 lồng nuôi các loại cá trắm đen, cá chép, cá lăng… Được các cơ quan chức năng hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, giờ đây, nhân dân nắm vững kỹ thuật nuôi cá, nhất là chuẩn bị các phương án ứng phó với mưa lũ, làm cá bị sặc bùn. Nhờ vậy, hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra. Sản lượng cá lồng hàng năm đạt 300-400 tấn, đem lại thu nhập 70-80 triệu đồng/năm cho các hộ nuôi cá lồng.
Ông Vi Minh Hoài, Chủ tịch UBND xã Tường Phong, cho hay: Cùng với nuôi cá lồng, toàn xã còn trồng trên 150ha cây lâm nghiệp từ đầu những năm 2000, một số diện tích bắt đầu cho thu gỗ. UBND xã đã tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, chọn ra các loại cây trồng dưới tán rừng phù hợp, phấn đấu trồng mới từ 40-50ha cây lâm nghiệp/năm.
Sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân 9 xã vùng hồ thủy điện Hòa Bình trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, cùng những định hướng phát triển kinh tế bước đầu đã cho hiệu quả, cùng huyện thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm và từng bước xây dựng Phù Yên trở thành một trong những địa phương phát triển khá của tỉnh Sơn La.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!