Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, do tác động của các bất ổn kinh tế vĩ mô ở trong nước, thế giới. Trước thực tiễn đó, tỉnh Sơn La đã đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường kinh doanh; hỗ trợ công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Hỗ trợ đồng bộ các lĩnh vực
Đến ngày 15/6, toàn tỉnh có 3.561 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 75.685 tỷ đồng, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 5,02% so với cùng kỳ năm trước, với số vốn bình quân 165,23 tỷ đồng. Nhìn chung, doanh nghiệp có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng hành với doanh nghiệp, tỉnh ta đã triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nguồn ngân sách Trung ương với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng. UBND tỉnh phân bổ chi tiết các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho các sở, ngành; trong đó, tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo kỹ thuật chuyên môn, kỹ năng tay nghề ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh”; triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, đối với các nội dung giao hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nguồn ngân sách Trung ương được phân bổ với nguồn kinh phí 400 triệu đồng, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đã xây dựng kế hoạch mở 4 khóa đào tạo về nghiệp vụ bán hàng dịch vụ du lịch, tiếp cận thị trường du lịch, quảng bá du lịch, ẩm thực tại các huyện, thành phố.
Trong lĩnh vực công nghệ, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai hiệu quả Quyết định số 2591/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025”, nhằm mục tiêu tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Các nội dung giao hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nguồn ngân sách Trung ương được phân bổ tại Quyết định số 871/QĐ-UBND ngày 14/5/2024 của UBND tỉnh với kinh phí 600 triệu đồng, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ đã lựa chọn các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, thực hiện hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Hỗ trợ tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ, tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ.
Tham gia chương trình đào tạo chuyển đổi số, tư duy chiến lược và mô hình kinh doanh dành cho lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai, ông Đàm Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nhung, chia sẻ: Qua chương trình đào tạo, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn lợi ích của việc ứng dụng chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh, thực tế áp dụng công nghệ số trong hoạt động điều hành của doanh nghiệp, tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh.
Bên cạnh đó, phải kể đến việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Từ đầu năm đến nay, tỉnh ta đã tổ chức các đoàn khảo sát, làm việc, nắm tình hình kế hoạch sản xuất, nhu cầu quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm của một số doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX tham gia chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” năm 2024 do Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ - Bộ Công Thương tổ chức; hỗ trợ đơn vị nhập khẩu Trung Quốc và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tỉnh Lào Cai khảo sát, làm việc với các đơn vị thu gom, cung ứng xoài xuất khẩu tại các huyện: Mường La, Mai Sơn, Sông Mã. Tổ chức kết nối đưa doanh nghiệp, HTX sản xuất và cơ sở thu gom sản phẩm xoài của tỉnh đi làm việc với doanh nghiệp xuất nhập khẩu của tỉnh Lào Cai...
Bà Lê Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, thông tin: Đối với các nội dung hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị từ nguồn ngân sách Trung ương với kinh phí 1,7 tỷ đồng, Trung tâm xây dựng kế hoạch hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn, ở cho 24 doanh nghiệp với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/doanh nghiệp/năm, tham gia các hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại. Đồng thời, trong 6 tháng cuối năm sẽ đào tạo trực tiếp khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp tại 4 doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Giúp doanh nghiệp phát triển ổn định
Những năm gần đây, các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, đã giúp các quy trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa được chuyên nghiệp hơn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đưa một số sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, còn những hạn chế, như: Một số chính sách chưa đủ hấp dẫn, nguồn lực hỗ trợ chưa đủ triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; việc tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai còn thiếu tập trung; đối tượng thụ hưởng chưa thực sự chủ động nghiên cứu, nắm bắt thông tin các chương trình, đề án, dự án của các cơ quan, tổ chức để đề xuất hỗ trợ.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La chưa có mạng lưới tư vấn viên theo Điều 13 Nghị định 80/2021/NĐ-CP để hỗ trợ tư vấn chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cán bộ hỗ trợ đang làm việc kiêm nhiệm, phụ trách theo lĩnh vực theo dõi. Ngoài ra, rất ít doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí để được hưởng hỗ trợ quy định tại các điều, khoản quy định của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để các doanh nghiệp nhỏ vừa vừa phát triển ổn định, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, gia tăng quy mô kinh tế, đóng góp vào ngân sách địa phương, tỉnh Sơn La đang kiến nghị các bộ, ngành rà soát, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp; xây dựng khung thể chế thí điểm cho mô hình kinh doanh mới trong một số lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất, phát triển ổn định, lâu dài.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Với mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, khuyến khích các hộ kinh doanh có tiềm năng mở rộng đầu tư, chuyển đổi thành lập doanh nghiệp và hoạt động theo quy định; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng chất lượng và hiệu quả, tỉnh Sơn La đã đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2025-2027, với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Qua đó, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện phát triển, phát huy vai trò là thành phần kinh tế chủ lực, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!