Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thời gian qua, tỉnh ta triển khai nhiều giải pháp tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thuận lợi cho các thành phần kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là công cụ, thước đo quan trọng, đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường đầu tư, công tác quản lý và điều hành kinh tế của địa phương. Năm 2023, chỉ số PCI tỉnh Sơn La xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2022. Trong 10 chỉ số thành phần PCI tỉnh Sơn La có 8 chỉ số có điểm số tăng so với năm 2022, gồm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Qua phân tích, 2 chỉ số tăng điểm vượt bậc, cải thiện đáng kể, là chi phí thời gian, tăng 1,47 điểm; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tăng 1,09 điểm.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Quyết tâm cải thiện, nâng cao chỉ số PCI, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt cải cách hành chính, tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết TTHC thuộc các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp. Trong đó, lĩnh vực môi trường giảm 10-30% thời gian thực hiện TTHC so với quy định; thủ tục cấp giấy phép xây dựng giảm từ 30 ngày xuống 15 ngày... Đồng thời, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường hỗ trợ, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Các đơn vị chủ động hơn trong tổ chức đối thoại, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhờ đó, chất lượng giải quyết TTHC nâng lên, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.
Qua tổng hợp, có 89% số doanh nghiệp đánh giá thời gian thực hiện TTHC được niêm yết công khai và rút ngắn hơn so với quy định; 75% số doanh nghiệp vướng mắc trong thực hiện các văn bản thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) được cơ quan quản lý nhà nước địa phương giải đáp hiệu quả. Cộng đồng doanh nghiệp quan sát được sự minh bạch trong đấu thầu của tỉnh; vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp địa phương trong xây dựng, phản biện chính sách, quy định của tỉnh là quan trọng, tiếp tục được nâng lên.
Ông Tạ Quang Hòa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại đầu tư VFI chia sẻ: Dự án Nhà máy sản xuất ngũ cốc ăn liền và hoa quả sấy thuộc Công ty có tổng vốn đầu tư 39 tỷ đồng, gồm 4 dây chuyền sản xuất các loại ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc bột, hoa quả, rau củ sấy, công suất 4.120 tấn sản phẩm/năm. Được tỉnh tạo điều kiện hoàn thiện hồ sơ thủ tục, mặt bằng, dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, đăng ký thực hiện tại Khu công nghiệp Mai Sơn. Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động quý IV/2024, tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương.
Mặc dù tăng bậc về thứ hạng, nhưng còn 2 chỉ số thành phần trong PCI của tỉnh giảm điểm so với năm 2022, là cạnh tranh bình đẳng và tính năng động, tiên phong của chính quyền. Theo phản ánh từ phía các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập, yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp không đơn thuần là các gói hỗ trợ về vốn, đất đai… mà là môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, chính sách ổn định. 75% số doanh nghiệp cho rằng, tỉnh cần ưu tiên giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp lớn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cải thiện các chỉ số giảm điểm, năm 2024, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố nhất quán nguyên tắc không phân biệt đối xử trong thụ hưởng chính sách, thực hiện bình đẳng, minh bạch quyền và nghĩa vụ của các thành phần kinh tế theo quy định pháp luật. Công khai quy định về chính sách ưu đãi đầu tư, để các thành phần kinh tế dễ dàng tiếp cận, lựa chọn địa bàn, ngành nghề đầu tư. Bình đẳng, minh bạch đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp trong tiếp cận tài liệu pháp lý, quy hoạch, kế hoạch, danh mục dự án thu hút đầu tư, quỹ đất, tín dụng, thuế… Các hiệp hội, tổ chức liên quan đến doanh nghiệp, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh tăng cường tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, các quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, là đầu mối tiếp nhận thông tin, kiến nghị của doanh nghiệp, báo cáo UBND tỉnh, giải đáp, xử lý và tháo gỡ cho doanh nghiệp...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chỉ số PCI của các cấp ngành, địa phương, môi trường kinh doanh của tỉnh sẽ ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!