Trong một tháng (từ 1/7 đến 1/8), liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện 4 lần điều chỉnh giảm giá xăng, dầu. Sau 4 lần điều chỉnh, so với cuối tháng 6, mỗi lít xăng RON 95-III giảm khoảng 7.270 đồng/lít; E5 RON 92 giảm 6.680 đồng/lít; dầu diesel giảm 6.110 đồng/lít. Hiện tại tỉnh Sơn La, giá xăng RON 95-III đang bán với giá là 26.110 đồng/lít; xăng E5 RON 92 giá 25.110 đồng/lít và dầu diesel là 24.370 đồng/lít.
Việc giá xăng dầu giảm giảm mạnh trong một tháng qua, đáp ứng niềm mong đợi của người dân và có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp, giúp cắt giảm chi phí sản xuất, nhất là nguyên liệu đầu vào và chi phí trong khâu vận chuyển, góp phần làm giảm giá thành các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay giá hàng hóa vẫn đang đứng im ở mức cao, khiến người dân lo lắng.
Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn thành phố, như chợ Trung tâm, chợ 7/11, chợ Rặng Tếch, chợ phường Chiềng An... giá thịt lợn hiện vẫn giao động từ 110.000 - 150.000 đồng/kg, tăng từ hơn 20.000 đồng/kg, giá các loại rau xanh, thực phẩm tươi sống, đồ khô, dầu ăn, mì tôm... đều đang ở mức cao. Dầu ăn Simply có giá 125.000 đồng/can 2 lít, tăng 10.000 đồng; trứng gà đỏ có giá 95.000 đồng/khay 30 quả, tăng từ 15.000-20.000 đồng; mì tôm tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/thùng so với trước khi giá xăng dầu tăng cao; thậm chí mặt hàng nước giặt một số hãng còn tiếp tục tăng 10.000 đồng/can 5 lít trong thời điểm này...
Đang đắn đo lựa chọn mua thịt lợn, chị Tòng Thị Khừa, bản Cá, phường Chiềng An, Thành phố, thắc mắc: Trong những tháng vừa qua khi giá xăng tăng thì lập tức giá các loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm đều tăng theo. Nhưng giờ xăng đã giảm tới 4 lần về gần mức giá bình thường như trước đây, nhưng vẫn chưa thấy mặt hàng nào giảm giá.
Người dân mua hàng tiêu dung tại một cửa hàng tạp hóa tại phường Chiềng An, thành phố Sơn La
Theo lý giải của đại diện các siêu thị, chuỗi cửa hàng thì giá xăng dầu thường được điều chỉnh 10 ngày/lần và theo giá thị trường, hiện giá xăng dầu tuy đã giảm, nhưng đa số doanh nghiệp sản xuất sẽ không thể điều chỉnh ngay giá hàng hóa mà họ còn phải căn cứ theo xu hướng giá chung, theo lộ trình. Đang nghe ngóng, đợi giá xăng dầu giảm thêm nữa mới tính toán có giảm giá hay không, bởi thực tế giá đầu vào tăng, các doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh tăng giá dần dần và khi giá ra đến thị trường sẽ mất một khoảng thời gian nhất định.
Kinh doanh dịch vụ vận tải chịu tác động trực tiếp nhanh nhất từ giá xăng dầu, nhưng theo nhiều đơn vị vận tải và dịch vụ giao hàng, giá cước vẫn chưa thể giảm ngay sau khi giá xăng dầu giảm. Ông Nguyễn Lương Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Sơn La, thông tin: Công ty hiện có trên 120 phương tiện vận tải khách. Suốt hơn 2 năm qua dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn. Đợt giá xăng dầu tăng cao trên 30.000 đồng/lít, Công ty cũng không dám đề xuất tăng giá cước. Giờ giá xăng dầu đã giảm, nhưng thực tế vẫn còn ở mức phù hợp với giá cước đã đề xuất từ tháng 3/2022. Do đó, tạm thời, chúng tôi vẫn giữ nguyên giá cước. Chúng tôi đang theo dõi tiếp diễn biến, chiều hướng của giá xăng dầu để có đề xuất điều chỉnh giá cước phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Ngày 31/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Công điện nêu rõ: Các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; trong phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Cán bộ quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logicstic, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định.
Với sự điều hành của Chính phủ vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong quản lý, điều hành giá. Hy vọng giá các mặt hàng sẽ được điều chỉnh phù hợp, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!