Từ đầu năm đến nay, tình hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn huyện Phù Yên giảm 13 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, góp phần bình ổn giá cả hàng hóa, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4, cho biết: Phù Yên có gần 2.000 cơ sở kinh doanh các mặt hàng đồ điện, đồ gia dụng, hàng tạp hóa. Ngay từ đầu năm, đội đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, phương án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo kế hoạch định kỳ và theo từng chuyên đề, đột xuất. Chú trọng kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng xã hội, thương mại điện tử, các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cùng với đó, Đội còn phối hợp với các cơ quan chức năng, thường xuyên theo dõi nắm tình hình; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. Kiểm tra việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh về thủ tục đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh, chế độ sổ sách, chứng từ, các tài liệu liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm hàng hóa, các hành vi sử dụng các chất cấm trong chế biến thực phẩm; vi phạm về tem, nhãn mác; các sản phẩm hàng hóa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp...
Anh Lường Văn Diễn, Kiểm sát viên, Đội Quản lý thị trường số 4, cho biết: Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, chúng tôi tuyên truyền pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, xuất xứ hàng hóa... nâng cao nhận thức của các đơn vị sản xuất, hộ kinh doanh, người tiêu dùng.
Chị Trần Thị Huyền, chủ cửa hàng tạp hóa tại tiểu khu 2, thị trấn Phù Yên, chia sẻ: Cửa hàng lựa chọn các đơn vị cung ứng uy tín, đảm bảo chất lượng. Lưu giữ đầy đủ các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, ưu tiên sắp xếp các sản phẩm hàng Việt tại khu vực dễ tìm, dễ nhìn nhất để người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa.
Từ đầu năm đến nay, Đội Quản lý thị trường số 4 đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 125 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 416 triệu đồng. Các vụ việc vi phạm chủ yếu là không niêm yết giá bán; hàng hóa quá hạn sử dụng; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; cơ sở kinh doanh sử dụng người trực tiếp kinh doanh thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm...
Nói về nhiệm vụ những tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Sơn, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4, thông tin: Cuối năm, các cơ sở kinh doanh hàng hóa chuẩn bị nhập, tích trữ nhiều mặt hàng phục nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết nguyên đán, nên các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng giả, hàng kém chất lượng lợi dụng để tuồn hàng vào các cửa hàng kinh doanh. Đơn vị xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các hộ kinh doanh, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, biết cách phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng và chỉ mua hàng ở những địa chỉ có uy tín; khi phát hiện hàng giả cần thông tin cho cơ quan chức năng, góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!