Khai thác vùng nguyên liệu tre rộng hơn 2.000 ha, HTX Tân Xuân Nông nghiệp 269 Tân Xuân, tại bản Bướt, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ đã nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo từ cây tre, xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên.
.jpg)
Vượt chặng đường hơn 35 km từ huyện Vân Hồ vào đến xã Tân Xuân, đón chúng tôi, chị Cao Thị Tâm, Giám đốc HTX Tân Xuân 269, niềm nở mời khách chén nước trà lá tre thơm dịu nhẹ. Chị Tâm chia sẻ: Từ xa xưa người dân địa phương quen dùng nước lá tre như một loại nước giải khát, thanh nhiệt. Từ tập quán đó, HTX đã nghiên cứu quy trình sơ chế, sấy khô lá tre một cách khoa học, giữ nguyên hương vị và dưỡng chất. Trà lá tre có 100% nguồn gốc tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản, có tác dụng giải nhiệt, thư giãn tinh thần.
Trà lá tre là sản phẩm mới nhất của HTX năm 2024, tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú tại địa phương, các thành viên đã kết hợp phương pháp truyền thống và công nghệ hiện đại để chế biến ra sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao.
Quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, năm 2025, sản phẩm trà lá tre được HTX in nhãn mác, gắn mã QR truy xuất nguồn gốc, bày bán trên các sàn thương mại điện tử và tham gia quảng bá tại nhiều hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại lớn tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Bắc... Từ đầu năm đến nay, HTX cung ứng trên 5.000 sản phẩm cho các siêu thị, cửa hàng ở Mộc Châu, Vân Hồ và thành phố Hà Nội, thu về lợi nhuận trên 100 triệu đồng.
Cùng với trà lá tre, HTX Nông nghiệp Tân Xuân 269 tập trung phát triển các sản phẩm măng khô. Năm 2020, với sự hỗ trợ của Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nông nghiệp bền vững và du lịch (GREAT), các thành viên trong HTX được hướng dẫn thu hái và chế biến măng rừng tự nhiên bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn hữu cơ; đầu tư nhà xưởng và hệ thống thiết bị máy móc với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng, công suất 1 tấn măng khô/ngày.
Đến nay, HXT liên kết với gần 200 hộ dân, mở rộng vùng nguyên liệu hơn 1.000 ha măng tre, nứa. Mỗi năm HTX xuất bán trên 11 tấn măng khô, mang lại doanh thu trên 300 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2024, sản phẩm măng nứa sấy khô của HTX tiếp tục duy trì tiêu chuẩn OCOP chất lượng 4 sao, khẳng định chất lượng, uy tín trên thị trường.
Không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, hoạt động sản xuất của HTX Nông nghiệp Tân Xuân 269 còn gắn với việc bảo vệ tài nguyên rừng. Hiện nay, HTX chỉ thu hoạch măng, lá tre trong thời gian cho phép, không làm tổn hại đến cây mẹ, đảm bảo tái sinh tự nhiên. Nhờ đó, vừa duy trì được nguồn nguyên liệu lâu dài, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Chị Vì Thị Hoạch, thành viên HTX Nông nghiệp Tân Xuân 269, chia sẻ: Năm 2019, tôi vào HTX, tham gia quy trình chế biến măng, nứa sấy khô theo quy chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện tại, tôi có mức thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về định hướng của HTX trong thời gian tới, Giám đốc HTX Cao Thị Tâm, nói thêm: Bên cạnh các sản phẩm từ tre, HTX đang nghiên cứu, sản xuất thêm các sản phẩm thiên nhiên, như: Gừng khô, mộc nhĩ sấy khô... Đồng thời, tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn; tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong nước, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Việc khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương, tổ chức sản xuất bài bản, chú trọng chất lượng sản phẩm và tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất và kinh doanh, giúp HTX Nông nghiệp Tân Xuân 269 xây dựng chuỗi thương hiệu các sản phẩm sạch từ măng, tre trên thị trường; tạo thu nhập ổn định cho người dân và góp phần quảng bá hình ảnh các sản phẩm nông sản sạch địa phương đến người tiêu dùng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!