Với đặc điểm địa hình đa dạng, khí hậu thuận lợi, huyện Sốp Cộp khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, trồng trên 1.360 ha diện tích lúa, hơn 2.170 ha trồng cây ăn quả và gần 100 ha cây dược liệu. Vùng sản xuất tập trung ở các xã Mường Và, Nậm Lạnh, Mường Lèo, Mường Lạn, Sam Kha và thị trấn Sốp Cộp.

Sản phẩm nổi bật, mang đậm bản sắc địa phương là gạo nếp tan Mường Và, giống nếp bản địa như tan hin, tan nhe và tan đỏ có hương vị thơm ngon, dẻo mềm. Nhờ quy trình canh tác đúng kỹ thuật, sản phẩm gạo nếp tan Mường Và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm 2019. Sản phẩm trở thành hàng hóa, được bày bán tại các chợ, siêu thị và trên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành phố lớn.
Bà Lò Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Mường Và, cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân tập trung cao việc phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, Mường Và có 2 sản phẩm tiêu biểu được công nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên, đó là gạo nếp tan và cam Nà Mòn. Chúng tôi chỉ đạo khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, khí hậu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Duy trì ổn định 590 ha cây ăn quả, trong đó, chủ lực là cam, quýt và các loại cây có múi.
Còn tại các xã Dồm Cang, Mường Và và Mường Lạn, mô hình trồng cây ăn quả đang phát triển với các loại cây chủ lực: Cam, quýt, xoài, chanh leo... Những loại cây trồng này, đang góp phần hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo phát triển cây cà phê ở các xã Dồm Cang, Nậm Lạnh, Mường Và và Púng Bánh. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thu hái và bảo quản, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cà phê Sốp Cộp.
Ông Cầm Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Dồm Cang, cho biết: Diện tích cà phê của xã đạt hơn 652 ha, trong đó, 305 ha cho thu hoạch quả, tập trung chủ yếu ở bản Cang, Pặt Pháy, Tốc Lìu, bản Dồm. Nhiều hộ trong xã có thu nhập từ 150-300 triệu đồng/năm từ trồng cà phê. Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2024, giảm xuống còn 11,53%. Thời gian tới, những diện tích đảm bảo nước tưới, sẽ quy hoạch trồng cam.
Trao đổi về nội dung này, bà Dương Tú Anh, Bí thư Huyện ủy Sốp Cộp, cho biết: Huyện tập trung định hướng chuyển từ mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, manh mún sang phát triển theo chiều sâu, đẩy mạnh thâm canh và sản xuất hàng hóa tập trung. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Các yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu nông sản cũng được chú trọng, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất.
Đến nay, diện tích cây ăn quả của huyện đạt 2.152 ha cây ăn quả các loại, sản lượng ước đạt 2.300 tấn quả/năm, trong đó, 55 ha cây ăn quả trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, 4C, UTZ và các tiêu chuẩn tương đương. Toàn huyện có 1.057 ha cây cà phê, sản lượng đạt trên 4.300 tấn quả tươi/năm. Ngoài ra, huyện tích cực triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, như hệ thống tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với sản phẩm chủ lực, được xem là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế nông thôn của huyện Sốp Cộp, góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!