Sông Mã quản lý mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu

Mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu nông sản cho nhân dân, huyện Sông Mã đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các HTX, doanh nghiệp và nhân dân phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP; tập trung xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng chuyên canh cây ăn quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Giọng nữ

Những năm gần đây, sản phẩm quả xoài, nhãn của Sông Mã đã khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế. Huyện có trên 10.700 ha cây ăn quả các loại. Trong đó, đã xây dựng 48 mã vùng trồng xoài, nhãn, với 482 ha, gồm 12 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ; 23 mã vùng trồng nhãn, xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 13 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand. Trong năm 2023, huyện đã tiêu thụ trên 98.400 tấn, trong đó, xuất khẩu 32.900 tấn, giá trị xuất khẩu đạt trên 1,7 triệu USD.

Thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, chăm sóc nhãn.

Việc xây dựng mã số vùng trồng cho diện tích cây ăn quả giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, đã thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất của người dân, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu của huyện. 

Ông Nguyễn Chí Thành, quyền Trưởng phòng NN và PTNT huyện Sông Mã, cho hay: Căn cứ vào các yêu cầu, tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng hiện hành, hằng năm, huyện đã cập nhật các tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường; tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX và thành viên HTX đăng ký xây dựng mã số vùng trồng mới. Phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh rà soát, kiểm tra, đánh giá các diện tích đã được cấp mã số vùng trồng và diện tích đang đề xuất cấp mã số vùng trồng, điều chỉnh thu hồi mã số vùng trồng đối với những diện tích không đủ điều kiện.

Cán bộ xã Chiềng Khương trao đổi kinh nghiệm chăm sóc nhãn với thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc.

Hằng năm, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cử cán bộ chuyên trách giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân trồng cây ăn quả đã được cấp mã số không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép trong quá trình chăm sóc. Lập và lưu lại hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản của huyện.

Nhiều năm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, có sản phẩm xoài, nhãn xuất khẩu. Đến nay, HTX đã được cấp 2 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc, với 10 ha xoài, 23 ha nhãn. Năm 2023, sản lượng quả các loại của HTX đạt hơn 400 tấn, trong đó 150 tấn xoài, nhãn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã thu hoạch xoài tượng da xanh xuất khẩu.

Ông Dương Tự Thanh, Giám đốc HTX, chia sẻ: Tham gia xây dựng mã số vùng trồng từ năm 2021, chúng tôi đã thay thế thuốc trừ sâu hóa học bằng thuốc sinh học, sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ. Ngoài ra, các công đoạn đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc, thu hái xoài, nhãn được các thành viên ghi lại đầy đủ, rõ ràng trong sổ nhật ký nông hộ. Năm nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, sản lượng nhãn của HTX giảm khoảng 20%. Các thành viên đang thực hiện quy trình chăm sóc nhãn, hướng đến xuất khẩu. Còn đối với sản phẩm xoài, mỗi ngày HTX đang kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gần 10 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc, với giá 8.000 đồng/kg.

Đối với HTX nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng, xã Chiềng Cang, được cấp mã số vùng trồng, gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2020. Đến nay, HTX đã có trên 35 ha cây ăn quả các loại, trong đó 6 ha xoài tượng da xanh; 14 ha nhãn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Những năm qua, sản phẩm xoài, nhãn của HTX đã xuất khẩu thuận lợi sang thị trường Trung Quốc và được phân phối tập trung hầu hết vào các hệ thống Fivimart và các chợ đầu mối Long Biên, Đồng Xuân, Hà Đông, Minh Khai (Hà Nội).

Anh Vũ Văn Minh, thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng, cho biết: Gia đình tôi có hơn 2 ha cây ăn quả. Trong đó, 1,5 ha nhãn được cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo quy trình VietGAP, năng suất, chất lượng quả được nâng lên, việc bán, tiêu thụ tại các siêu thị trong nước cũng thuận lợi. Năm nay, dự kiến sản lượng nhãn của gia đình đạt 23 tấn quả, trong đó có trên 60% đạt tiêu chuẩn xuất bán tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, nhãn Sông Mã bắt đầu vào vụ chính, cùng với việc chỉ đạo, tuyên truyền nhân dân, HTX, doanh nghiệp sản xuất nhãn an toàn theo quy trình, huyện còn đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút các công ty, doanh nghiệp có uy tín để đưa sản phẩm nhãn chinh phục các thị trường trong nước và quốc tế. Tổ chức các đoàn công tác khảo sát, nghiên cứu thị trường nước ngoài để hỗ trợ xuất khẩu. Phối hợp với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xuất khẩu nhãn. Đối với quả xoài đang bắt đầu cho thu hoạch, các doanh nghiệp, HTX trong huyện cũng đã liên kết tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường Trung Quốc, với giá bán quả loại 1 từ 8-10 nghìn đồng/kg; loại 2 từ 6-8 nghìn đồng/kg. 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Sông Mã đang hình thành nhiều vùng chuyên canh, với nhiều sản phẩm có chất lượng. Việc cấp mã số vùng trồng sẽ là cơ hội để minh bạch nguồn gốc sản phẩm và cũng là giấy thông hành để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới