Những năm gần đây, hạ tầng thương mại của tỉnh ta đã có bước phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, thúc đẩy hệ thống bán lẻ, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và trao đổi hàng hóa của nhân dân.
Hiện nay, toàn tỉnh có 91 chợ truyền thống đang hoạt động; trong đó, chợ trung tâm và chợ 7/11 trên địa bàn Thành phố đã triển khai áp dụng mô hình chợ 4.0 - hỗ trợ tiểu thương và khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến, không dùng tiền mặt. Ngoài ra, hạ tầng thương mại điện tử đang từng bước phát triển, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, mức sống của người dân được nâng lên, nhu cầu mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Đến nay, toàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 4 siêu thị tổng hợp, cùng các chuỗi cửa hàng, siêu thị chuyên doanh, như: 28 chuỗi cửa hàng thế giới di động, điện máy xanh; 5 cửa hàng FPT shop; 6 cửa hàng Mediamart; 16 hệ thống các chuỗi cửa hàng tiện lợi thương hiệu Winmart cùng hàng nghìn đại lý, cơ sở nhượng quyền thương mại, cửa hàng, bán buôn, bán lẻ tại 12 huyện, thành phố, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Tại thành phố Sơn La, những năm gần đây, nhiều dự án quy hoạch các khu đô thị mới, chợ và trung tâm thương mại được hình thành. Ngoài hệ thống các chợ truyền thống, Thành phố hiện có 1 trung tâm thương mại hạng III, 1 siêu thị tổng hợp, cùng chuỗi siêu thị điện máy, điện thoại và siêu thị mini, với đầy đủ các mặt hàng đa dạng, phong phú, chất lượng kinh doanh dịch vụ đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng. Với những ưu thế nổi bật về không gian mua sắm, tiện ích thanh toán đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của hàng hóa, các trung tâm thương mại, siêu thị, mini mart, đang trở thành điểm lựa chọn của số đông người dân.
Chị Lò Thị Huyền, tổ 14, phường Quyết Thắng, chia sẻ: Gia đình tôi thường đến mua sắm tại siêu thị Vincom plaza Sơn La, hoặc Trung tâm thương mại dịch vụ Đ&T Plaza, bởi nơi đây rất tiện ích, vừa mua sắm, vừa cho trẻ vui chơi giải trí... Hơn nữa, hàng hóa ở đây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đa dạng, giá cả niêm yết cùng ưu đãi hấp dẫn, đi mua sắm tại đây không nhất thiết phải đem theo tiền mặt mà chỉ cần chuyển khoản qua điện thoại, quẹt thẻ là thanh toán dễ dàng.
Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Hạ tầng thương mại phát triển đã và đang góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo đô thị, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân với nhiều loại hàng hóa đa dạng, bảo đảm chất lượng và phương thức phục vụ hiện đại, văn minh, giúp thúc đẩy tăng trưởng ngành thương mại. Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 30.800 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế cho thấy, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích phân bố không đều, tập trung chủ yếu tại khu vực thành phố và thị trấn. Nhiều chợ sau khi đi vào hoạt động chưa thu hút các tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán.
Với mục tiêu phát triển hạ tầng thương mại xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, tỉnh ta đang tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi đẩy mạnh thu hút đầu tư, củng cố hạ tầng thương mại. Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động; khuyến khích mở rộng mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng xăng dầu, ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển dịch vụ thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 đạt 33.800 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2023.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!