Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, được các cấp Hội Nông dân triển khai sâu rộng, đã xuất hiện nhiều nông dân điển hình làm kinh tế giỏi, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và giảm nghèo bền vững tại các địa phương.

Giọng nữ
Mô hình trồng cây ăn quả của nông dân xã Mường Cơi.

Ông Bạc Cầm Khuyên, Trưởng ban Công tác Nông dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Hằng năm, Hội Nông dân tỉnh (nay là Ban Công tác nông dân tỉnh) vận động hội viên nông dân phát triển nông nghiệp hàng hóa, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường; chú trọng mở các lớp tập huấn theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, nâng cao kỹ năng canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 23.000 lượt hội viên; gần 50 lớp hướng dẫn triển khai mô hình dự án. Nhận ủy thác 1.748 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội và hơn 1.180 tỷ đồng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho trên 9.000 hộ vay vốn phát triển kinh tế; hướng dẫn hội viên nông dân sử dụng vốn hiệu quả, lựa chọn cây, con giống phù hợp, nhờ đó, nhiều hộ nghèo có thêm động lực vươn lên, cải thiện cuộc sống và xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có trên 100.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Ông Hoàng Văn Chất, bản Củ, xã Chiềng Mai, là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu, không chỉ  luôn nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho các hộ hội viên nông dân trong tỉnh, còn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào. Ông Chất chia sẻ: Từ năm 2022, toàn bộ 5 ha cây trồng như bưởi, cam của gia đình tôi chuyển sang sản xuất hữu cơ, sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu về trên 1 tỷ đồng. Với kinh nghiệm tích lũy được, tôi thường xuyên hỗ trợ các hộ nông dân khó khăn về kỹ thuật, vốn và việc làm, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống.

Tích cực chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ đã tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất và bán hàng qua nền tảng số, giúp nông dân nâng cao năng suất và tiêu thụ nông sản hiệu quả. Riêng năm 2024, sản lượng nông sản tiêu thụ qua kênh trực tuyến trên 10.000 tấn.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc HTX Trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, cho biết: Việc ứng dụng chuyển đổi số đã giúp HTX mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm như quýt ngọt, cam canh lên các nền tảng số như TikTok, Zalo, Facebook, tiêu thụ hơn 90 tấn nông sản niên vụ 2024-2025. HTX cũng trồng mới 2 ha quýt ngọt theo hướng hữu cơ. Chú trọng kiểm soát quy trình sản xuất, áp dụng tưới ẩm tự động, sổ tay sản xuất điện tử... nâng cao năng suất, chất lượng, khẳng định thương hiệu “Cam Phù Yên”.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Ban Công tác Nông dân tỉnh tập trung hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản cho hội viên, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới