Những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nơi cửa ngõ của tỉnh

Vân Hồ có khí hậu mát mẻ và thổ nhưỡng phù hợp phát triển nông  nghiệp. Phát huy lợi thế, huyện đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ; hướng tới xây dựng ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, mang đến cho người dân những mùa xuân no ấm.

Những mô hình tiêu biểu

Những ngày đầu năm, đến HTX Nông nghiệp Tiến Thành, xã Chiềng Xuân, khi các thành viên đang tất bật thu hoạch cam canh với những cây cam trĩu cành, quả chín căng, vàng óng. Đón chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, phấn khởi khoe: Tết năm nay, các thành viên ăn tết vui hơn khi vụ cam được mùa, được giá. Với 20 ha cam Vinh, cam canh của HTX dự kiến thu được 50 tấn quả, mang lại doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng.

Với mục tiêu liên kết, phát triển bền vững, HTX Nông nghiệp Tiến Thành xây dựng quy chế và yêu cầu tất cả các thành viên chăm sóc cây ăn quả đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có sổ tay ghi chép quy trình chăm sóc, thời gian bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, HTX chủ động kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp phân bón, cây giống, kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Hiện nay, HTX có 10 thành viên, trồng 20 ha cam, 27 ha nhãn, 10 ha xoài, 6 ha bưởi, trong đó có 20 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tổng sản lượng các loại quả trung bình đạt hơn 400 tấn, doanh thu 10 tỷ đồng. Ngoài việc tiêu thụ sản phẩm qua kênh bán hàng truyền thống, HTX còn chú trọng giới thiệu, quảng bá, bán hàng qua zalo, facebook, sàn thương mại điện tử. Nhờ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, sản phẩm của HTX được nhiều khách hàng lựa chọn, tin dùng.

Trong câu chuyện của ngày đầu năm, chúng tôi được nghe cách làm giàu từ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của ông Tráng A Cao, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ khiến ai cũng khâm phục. Theo đó, sau nhiều trăn trở tìm hướng thoát nghèo, năm 2016, ông Tráng A Cao đầu tư hơn 300 triệu đồng làm hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân tự động cho cây ăn quả và làm 600m² nhà lưới trồng các loại rau, quả. Hiện nay, gia đình ông Cao có 7ha cam, quýt, bưởi, hồng giòn, sản lượng mỗi năm 40 tấn quả, thu hơn 1 tỷ đồng; ngoài ra còn thu gần 200 triệu đồng từ bán rau, dâu tây. Năm 2018, ông Cao và một số hộ trồng cây ăn quả trong bản đã thành lập HTX nông nghiệp A Cao, với 11 thành viên, gần 20 ha đất sản xuất, trong đó 12 ha trồng cây ăn quả có múi sản xuất theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, các thành viên còn trồng rau màu các loại, thu nhập bình quân mỗi thành viên khoảng 300 triệu đồng/năm.

Vẫn phong cách giản dị, chất phác của người nông dân, Giám đốc Tráng A Cao thật thà nói: Là nông dân không được học nhiều, nhưng khi các thành viên tín nhiệm bầu làm giám đốc mình phải dốc hết sức, hết lòng. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, tôi và Ban quản trị HTX đã tìm hướng đi phát triển phù hợp. Chủ động tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giữ uy tín đối với khách hàng, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm. Hiện nay, toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX đều được trồng, chăm sóc, thu hoạch theo quy trình VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm của HTX được một số siêu thị và cửa hàng hoa quả sạch trong, ngoài tỉnh đặt mua.

Lan tỏa từ mô hình hiệu quả của gia đình ông Cao ra khắp bản, các xã, nhiều hộ dân đã học tập, áp dụng, hiện nay, bản Hua Tạt có hơn 60 ha cây ăn quả, 40 ha trồng rau màu... Nhờ đó, đời sống của người dân trong bản ngày càng được nâng lên, người Mông bản Hua Tạt đón Tết cũng vui hơn.

Cụ thể hóa các khâu đột phá

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những khâu đột phá được Đảng bộ huyện Vân Hồ đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đảng bộ huyện ban hành Đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với nông nghiệp theo hướng hữu cơ đến năm 2025”.

Ông Nguyễn Hợp Cường, Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: Huyện chỉ đạo các đơn vị, phòng ban, các xã tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đa dạng các hình thức liên kết giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị nông sản. Tập trung thử nghiệm, nhập giống mới có ưu thế vượt trội đưa vào sản xuất, nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình canh tác, thâm canh, bảo quản, chế biến ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông sản của huyện.

Từ năm 2020 đến nay, nhân dân chuyển đổi vùng trồng lúa ruộng 1 vụ sang gieo trồng cây hoa màu, rau củ các loại với tổng diện tích hơn 1.200 ha. Cây công nghiệp tiếp tục được tập trung đầu tư thâm canh, trọng tâm là phát triển vùng chè với tổng diện tích 1.425 ha. Đến nay, toàn huyện có trên 4.300 ha cây ăn quả.

Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho Công ty TNHH IC FOOD Sơn La, với 5 HTX sản xuất rau an toàn với quy mô sản xuất thường xuyên 5 ha/HTX; rà soát, chỉ đạo phát triển vùng trồng rau an toàn tại các xã Vân Hồ, Lóng Luông, Chiềng Yên, Chiềng Khoa, Tô Múa, Song Khủa với tổng diện tích tập trung 70ha, sản lượng 1.190 tấn/năm để cung cấp sản phẩm rau cho nhà máy. Hiện nay, toàn huyện có 9 nhà máy, xưởng chế biến nông sản. Ngoài ra, còn có các nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh đến mua nguyên liệu, là điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến.

Hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Về xã Xuân Nha, đi giữa ngút ngàn màu xanh cây trái, khó có thể hình dung nơi đây từng là vùng đất đồi hoang hóa, cuộc sống của bà con nông dân bao năm nhọc nhằn bởi trồng cây lương thực hiệu quả thấp nay lại đổi thay nhanh chóng. Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn xã có 437 ha; thu nhập từ cây ăn quả ổn định, đời sống của nhân dân tăng lên.

Mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Tráng A Cao, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ.

Ông Đinh Văn Quân, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Nha, thông tin: Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Bằng các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình 30a, 135, dự án hỗ trợ của tỉnh, xã đã đẩy mạnh hỗ trợ, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để đầu tư sản xuất, nhân rộng. Ngoài ra, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và một số doanh nghiệp triển khai trồng hơn 40 ha gai xanh; 124 ha măng tre bát độ và đang triển khai trồng thử nghiệm dứa Queen. Các mô hình bước đầu phát huy hiệu quả, tạo ra những lựa chọn mới cho nhân dân lựa chọn phù hợp để xóa đói nghèo bền vững.

Sự thay đổi trong phát triển nông nghiệp của Vân Hồ thể hiện bằng những con số ấn tượng: Toàn huyện có 254 ha vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ trải đều tại 14 xã của huyện; trong đó có 83 ha lúa tẻ râu theo hướng hữu cơ; 15 tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới sản xuất với tổng diện tích 20.418 m2; 10 tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm, với tổng diện tích trên 7 ha; 162 ha đạt chuẩn VietGAP. Toàn huyện có 54 ha cấp mã vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu, 7 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; 79 mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học với 115 hộ thực hiện, khối lượng ước đạt trên 700 tấn...

Với tiềm năng, lợi thế và định hướng đúng, có trọng tâm, trọng điểm, huyện Vân Hồ phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, toàn diện, kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường xuất khẩu và chuỗi liên kết trong và ngoài tỉnh, tạo lập được thế và lực để Vân Hồ phát triển nhanh, bền vững.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới