Nhà phân tích thị trường cấp cao tại WGC Krishan Gopaul cho biết, nhu cầu vàng của các ngân hàng Trung ương ổn định trong những tháng đầu năm 2024.
Theo ông Gopaul, các ngân hàng Trung ương đã bổ sung tổng số 64 tấn vàng trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua, giảm hơn 43% so cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng gấp 4 lần so năm 2022. Dù tốc độ mua chậm lại trong tháng 2, nhưng xu hướng mua ròng kim loại quý này vẫn được duy trì.
Hội đồng Vàng Thế giới cho hay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là đơn vị mua vàng nhiều nhất trong tháng 2 khi bổ sung thêm 12 tấn vào kho dự trữ. Đây là tháng mua ròng liên tiếp thứ 16 của cơ quan này. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục mua vàng để đa dạng hóa các tài sản dự trữ khỏi đồng USD.
Ngân hàng Quốc gia Séc đã tăng dự trữ vàng thêm 2 tấn trong tháng 2, nối dài đợt bổ sung vàng vào kho dự trữ của nước này lên 12 tháng liên tiếp.
Theo WGC, trong khoảng thời gian này, lượng mua của ngân hàng Quốc gia Séc đã đạt tổng cộng gần 22 tấn, nâng lượng vàng nắm giữ lên 34 tấn, cao hơn 183% so cuối tháng 2 năm 2023.
Tiếp đó, Cơ quan tiền tệ Singapore đã mua 2 tấn vàng trong lần bổ sung hằng tháng đầu tiên kể từ tháng 9/2023.
Các tổ chức mua ròng lớn khác trong tháng 2 là Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ. Các cơ quan này cùng bổ sung thêm 6 tấn vàng vào kho dự trữ trong tháng 2.
Báo cáo của WGC chỉ ra rằng, chỉ có hai nhà bán vàng lớn trong tháng 2. Ngân hàng Trung ương Uzbekistan đã bán 12 tấn vàng trong tháng 2, trong khi kho dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Jordan giảm 4 tấn.
Mặc dù hoạt động mua vàng của các ngân hàng Trung ương chậm lại đáng kể, các nhà phân tích cho rằng nhu cầu tích trữ sẽ không sớm dừng lại. Việc mua vàng của các ngân hàng Trung ương cũng chính là yếu tố quan trọng đằng sau đợt liên tiếp chinh phục các mức kỷ lục mới của kim loại quý lên trên mốc 2.300 USD/ounce những ngày gần đây.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!