Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về đường giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Mường Và có diện tích tự nhiên hơn 26.210 ha, với 21 bản, 2.675 hộ dân thuộc 5 dân tộc Thái, Lào, Khơ Mú, Mông, Kinh cùng sinh sống. Vùng đất này có cánh đồng lúa rộng; nương đồi có độ dốc trung bình; nguồn nước tưới tiêu dồi dào, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, bà con trong xã đã cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng 590 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, quýt, xoài, nhãn; trong đó 166 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 900 tấn quả/năm. Trồng 292 ha lúa, sản lượng đạt 1.576 tấn/năm và 600 ha sắn cao sản, sản lượng hơn 6.300 tấn/năm. Ngoài ra, còn chăn nuôi gần 8.300 con gia súc, trên 36.100 con gia cầm.
Gia đình anh Lò Văn Lịch, bản Pói Lanh, mỗi năm duy trì nuôi từ 30 đến 40 con dê; bán dê giống, dê thịt, thu lãi trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, còn trồng hơn 1 ha ngô lai, thu 7 - 8 tấn; hơn 1 ha sắn cao sản, sản lượng trên 13 tấn; nuôi gà thả đồi, ao cá, tổng thu nhập trên 200 triệu đồng. Anh Lịch cho biết: Năm nay, gia đình tôi mua thêm 2 con bò giống, 100 con gà giống về nuôi; đầu tư sửa chữa chuồng trại kiên cố. Tôi còn trồng thêm ngô lai, sắn cao sản và hơn 2.000 m² cỏ voi làm thức ăn cho vật nuôi.
Còn ông Vì Văn Nhủng, bản Nghè Vèn, chia sẻ: Năm 2015, gia đình tôi chuyển gần 1 ha trồng ngô, sắn sang trồng cây cam Vinh, cam Nà Mòn. Trong những năm đầu, “lấy ngắn nuôi dài”, tôi duy trì trồng 2 ha sắn cao sản, nuôi gà, vịt thịt và nuôi cá. Đến năm 2018, cam, quýt cho thu hoạch quả bói, bán được hơn 80 triệu đồng. Số tiền thu được, gia đình trồng thêm gần 2 ha cam, quýt nữa. Đến nay, gia đình có gần 3 ha cây ăn quả. Vụ năm 2022, thu được gần 20 tấn cam, quýt các loại, giá trung bình 20 nghìn đồng/kg, tổng thu 400 triệu đồng.
Là một trong những bản có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh trên địa bàn xã, bản Nà Mòn có 94 hộ dân. Cả bản trồng gần 40 ha cam, quýt, năng suất trung bình đạt 10 tấn quả/ha, giá bán từ 20 - 30 nghìn đồng/kg. Cây cam hợp đất, cùng với áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ, nên quả to đều, mọng nước, ít hạt hoặc không có hạt, vị ngọt đậm, được nhiều khách hàng đặt mua. Nhờ trồng cam, quýt, nhiều hộ có thu nhập từ 150 - 400 triệu đồng/năm; bản chỉ còn 34 hộ nghèo.
Bà Lò Thị Hà, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện nay, xã có trên 50 mô hình kinh tế hộ gia đình, 4 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Cùng với giữ vững thương hiệu nếp tan Mường Và, với các loại tan Hin, tan Nhe, tan Đỏ được xếp loại sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, xã đang mở rộng diện tích, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cam Nà Mòn. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,17%; hiện nay, xã còn 48,11% hộ nghèo.
Thời gian tới, xã Mường Và tiếp tục hỗ trợ nhân dân triển khai các mô hình kinh tế phù hợp với lợi thế của địa phương; nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình, từng bước nâng cao mức sống cho nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!