Thành phố Sơn La có 2.251 ha mận, sản lượng ước đạt trên 19.000 tấn/năm. Những ngày này, khắp các vườn mận trải dài từ xã Chiềng Đen đến xã Chiềng Cọ, Hua La, Chiềng Ngần, người sản xuất đang khẩn trương thu hái mận tam hoa, không khí lao động thật nhộn nhịp.
Nhộn nhịp mùa thu mận
Đến xã Chiềng Đen những ngày này, dọc các tuyến đường, có nhiều xe ra vào thu mua mận. Tại các vườn mận, từ sáng sớm người nông dân tranh thủ thời tiết mát mẻ thu hái mận để kịp giao bán cho các thương lái.
Chị Lò Thị Oanh, bản Tòng Xét, xã Chiềng Đen, nói: Gia đình trồng 1 ha mận tam hoa xen mận hậu, từ đầu vụ đến giờ đã thu hái được 1 tấn quả. Trước đây, gia đình để cây ra quả tự nhiên, mặc dù sai quả nhưng chất lượng quả bé, bán không được giá. Năm nay, chúng tôi thực hiện cắt tỉa để ít quả nên quả to đều, bán với giá cao hơn, dự kiến năm nay, thu hoạch khoảng 5 tấn quả mận tam hoa, thu về khoảng 50 triệu đồng.
Còn tại vườn nhà ông Lò Văn Dũng, bản Trung tâm, xã Chiềng Đen, để kịp thu hái mận, ông đã thuê thêm 3 lao động. Ông Lò Văn Dũng chia sẻ: Gia đình trồng 2 ha mận, năm 2021, được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố chọn làm điểm thực trồng 1 ha theo hướng hữu cơ, cắt tỉa tạo tán, đến khi đâu quả thì tỉa bớt quả, thấy hiệu quả, năm nay tôi đã áp dụng thực hiện cho toàn bộ diện tích mận của gia đình, nên cho mận quả to hơn và bán được giá hơn. Mặc dù ít mưa nhưng sản lượng vẫn đảm bảo dự kiến đạt khoảng 10 tấn quả.
Ông Cà Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Đen, thông tin: Hiện nay, xã có hơn 818 ha mận, sản lượng năm nay khoảng 11.360 tấn. Trên địa bàn xã có hơn 20 điểm thu mua mận của các hộ dân liên kết với các thương lái trong và ngoài tỉnh, đảm bảo tiêu thụ mận trên địa bàn. Đối với mận tam hoa, xã đã thu hoạch và tiêu thụ khoảng 8.000 tấn quả, mức giá từ 5.000 đồng - 18.000 đồng/kg tùy loại.
Gia đình chị Lèo Thị Thủy, bản Trung tâm, xã Chiềng Đen, 15 năm nay, chuyên thu mua nông sản tại địa phương. Chị Thủy cho biết: Hiện nay, mỗi ngày gia đình tôi thu mua 1-2 tấn quả mận tam hoa và vận chuyển đi bán tại các chợ đầu mối của các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và thành phố Hải Phòng, đây là những bạn hàng đã liên kết tiêu thụ nhiều năm nay. Ngoài ra, tôi giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội mận mơ Sơn La, miền Nam, miền Bắc… nên tiêu thụ nhanh hơn các vụ trước.
Tại xã Chiềng Cọ, không khí thu hoạch mận cũng nhộn nhịp không kém. Ông Cà Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, vui mừng: Toàn xã có gần 500 ha mận hậu, hơn 284 ha mận tam hoa, sản lượng vụ này khoảng 6.610 tấn quả. Xã vận động, hướng dẫn các hộ chăm bón 5 ha theo hướng hữu cơ. Cử 16 người là cán bộ xã, trưởng bản, Chi hội trưởng Nông dân, các tiểu thương tham gia lớp tập huấn giới thiệu sản phẩm nông sản trên nền tảng Tiktok; vận động các hộ liên kết với các tư thương mở các điểm thu mua mận cho nhân dân, đến nay, toàn xã có gần 20 điểm thu mua, đảm bảo tiêu thụ mận cho nhân dân kịp thời.
Xây dựng thương hiệu mận thành phố Sơn La
Ngay đầu năm, UBND thành phố Sơn La đã ban hành Kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu một số sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn thành phố Sơn La năm 2023. Trong đó, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực đơn vị thu gom tiêu thụ, xuất khẩu; thu hút đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến, xuất khẩu; nâng cao hiệu quả việc phân tích, dự báo thị trường…
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La, cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND Thành phố chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với các xã có diện tích mận, chỉ đạo các HTX, các hộ gia đình trồng mận xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái; áp dụng quy trình sản xuất nông sản an toàn VietGAP, GlobalGAP. Đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, hình thành các chuỗi sản xuất bền vững. Đồng thời, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu của các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng..., tìm kiếm đối tác để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, gửi mẫu sản phẩm chào hàng, tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại. Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng thương mại điện tử, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thành phố phối hợp với các xã, phường tổ chức hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản phục vụ xuất khẩu cho hàng trăm lượt nông dân. Xây dựng mô hình gần 10 ha trồng mận theo hướng hữu cơ, theo quy trình sản xuất sạch, an toàn. Phối hợp với Sở Công Thương mở lớp tập huấn về quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử trực tiếp tại vườn cho 100 nông dân là chủ các doanh nghiệp sản xuất, HTX, hộ sản xuất trên địa bàn.
Tiếp nối thành công vụ mận năm nay, Thành phố vận động nhân dân mở rộng các mô hình chăm sóc mận đảm bảo chất lượng, an toàn theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; xây dựng thương hiệu mận thành phố Sơn La, để không ngừng gia tăng giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho người trồng mận.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!