Chúng tôi đến xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu, dịp này, được chứng kiến niềm vui của người trồng mía. Những đồi mía bạt ngàn đang được bà con nông dân hối hả thu hoạch, từng đoàn xe nối nhau vận chuyển về Nhà máy Mía đường Mai Sơn.
Tại khu đồi mía bản Hiêm, tiếng thu hoạch mía rào rào, hòa cùng tiếng nói, tiếng cười, càng làm cho không khí mùa thu hoạch mía thêm sôi động.
Anh Lừ Văn Thanh, bản Hiêm, đang khẩn trương bó gọn từng vác mía, cùng mọi người chất lên xe. Tranh thủ nghỉ giải lao, anh Thanh cho biết: Nhà tôi trồng mía đã mấy vụ rồi, mọi năm mưa nhiều, có đủ nước nên mía năng suất đạt khoảng gần 100 tấn/ha. Năm nay, mưa ít nên cây mía cho năng suất thấp hơn, 70-80 tấn/ha. Với 3 ha mía của gia đình, năm nay đạt khoảng 220 tấn. Hiện nay, Nhà máy Mía đường Mai Sơn đang mua với giá 1.050 đồng/kg, trừ chi phí thu được khoảng 170 triệu đồng.
Trên đồi mía khác ở bản Hiêm, chị Lò Thị Đông phấn khởi: Gia đình tôi đang tập trung thu hoạch mía cho kịp thời vụ bán cho nhà máy. Nếu thu hoạch không kịp, cây mía sẽ ra hoa, lúc đó lượng đường trong mía giảm đi nhiều, đồng nghĩa với giá bán sẽ giảm. Vụ này, mặc dù năng suất mía giảm, nhưng giá thu mua của Nhà máy cao nên người trồng mía phấn khởi lắm. Tết này, dân bản sẽ đón Tết vui hơn, sẽ ăn Tết to hơn. Vụ mía sang năm, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía. Với ưu điểm, mía có thể lưu gốc 3 đến 4 năm nên không mất nhiều chi phí về cây giống và công sức chăm sóc. Đặc biệt, giá thu mua mía mấy năm nay ổn định, được Công ty bao tiêu không lo đầu ra. Vì vậy, chúng tôi yên tâm phát triển trồng mía.
Ông Lò Văn Bốn, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Hiêm, cho biết: Bản Hiêm có 240 ha đất nông nghiệp, trong đó 140 ha mía, còn lại là diện tích cây ăn quả, gồm: Xoài, nhãn, bưởi, táo và các loại cây trồng khác. Vào dịp thu hoạch mía, các gia đình ở đây thành lập các tổ đổi công, khoảng 10-15 gia đình thành 1 tổ, mỗi nhà 2 người. Sau đó, các tổ lần lượt thu hoạch mía cho từng gia đình, cứ như vậy nên việc thu hoạch mía rất nhanh chóng và kịp thời vụ.
Từ trồng mía, cuộc sống của người dân trong bản ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo. Nhân dân trong bản tích cực xây dựng nông thôn mới, tự nguyện đóng góp 100 triệu xây dựng nhà văn hóa bản; đóng góp 1,2 tỷ đồng để làm các tuyến đường bê tông nội bản với tổng chiều dài 2 km. Bản không còn hộ nghèo.
Hiện nay, xã Chiềng Khoi có hơn 1.000 ha đất nông nghiệp. Trong đó, có 303 ha trồng mía, sản lượng mía đạt trên 25.000 tấn, đem lại doanh thu gần 25 tỷ đồng. Cây mía không chỉ phù hợp với đất đai, khí hậu, tạo việc làm, đem lại thu nhập cho người dân địa phương. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên đất trồng trọt ước đạt gần 57 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân của người dân đạt 43,5 triệu đồng/người/năm. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 dưới 4%.
Bà Lò Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoi, cho biết: Cây mía là một trong những cây trồng hàng hoá, tạo việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Xã tích cực phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi bền vững. Rà soát diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp, để chuyển đổi trồng mía gắn với nhà máy chế biến, tạo động lực thúc đẩy nhân dân trên địa bàn xã yên tâm sản xuất. Vận động, hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật, nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Chiềng Khoi định hướng đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh, trong đó có cây mía, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!