Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, HTX Nông sản Sơn La, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn liên kết với gần 20 hộ sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn theo quy trình VietGAP, quy mô trên 30 ha, mỗi năm cung ứng trên 1.000 tấn rau, củ, quả cho hệ thống cửa hàng rau sạch, các siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Cam kết sản xuất “5 không”
Đảm bảo cung ứng hơn 3 tấn cải thảo cho bạn hàng ở Hà Nội theo đơn hàng, ngay từ sáng sớm, anh Vũ Quang Quý, thành viên HTX Nông sản Sơn La ở bản Tong Chinh đã ra vườn thu hoạch cải thảo.
Anh Quý tự tin nói: Diện tích cải thảo trước khi xuất bán, đã được lấy mẫu test kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Quá trình chăm sóc, tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế vô cơ và có sổ nhật ký ghi chép quá trình sinh trưởng, phát triển của từng loại rau, củ. Niên vụ 2023, với 6.000m2, gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng từ tiền bán rau, củ, quả.
Liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với HTX Nông sản Sơn La, anh Vũ Đức Ninh, bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban, phấn khởi: Trước đây, canh tác rau theo phương pháp truyền thống, năng suất, chất lượng không cao, hay bị sâu bệnh, đất chai cứng. Năm 2022, gia đình liên kết với HTX Nông sản Sơn La, chuyên canh 2 ha trồng rau theo quy trình VietGAP. Niên vụ 2023, gia đình thu được trên 100 tấn rau, củ các loại, thu nhập gần 800 triệu đồng.
Ông Lê Đình Hiệp, Giám đốc HTX Nông sản Sơn La, cho biết: HTX thành lập năm 2022, với 7 thành viên, quy mô 5 ha trồng rau, củ, quả các loại. Ngoài ra, HTX liên kết với 15 hộ ở các bản của xã Chiềng Ban, quy mô gần 20 ha trồng rau, củ, quả an toàn. Đảm bảo rau, củ luôn xanh, tươi khi tới tay khách hàng, HTX góp vốn gần 2 tỷ đồng mua ô tô chở rau đi bán. Đặc biệt, HTX ban hành cam kết sản xuất "5 không", đó là: Không bón quá định lượng phân hóa học quy định; không phun thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục nhà nước cho phép dùng trên rau quả an toàn; không bón thiếu phân hữu cơ vi sinh; không sử dụng hạt giống biến đổi gien; không dùng hóa chất kích thích sinh trưởng cây trồng. Ngoài ra, các thành viên HTX đầu tư tiền khoan giếng, lắp hệ thống tưới nước tự động.
Theo tính toán của HTX, đầu tư khoảng 50 triệu đồng vào hệ thống tưới nhỏ giọt cho 1 ha trồng rau, giúp việc chăm sóc vườn rau trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Chủ vườn chỉ cần cài đặt điều khiển trên điện thoại thông minh, dù không ở nhà vẫn điều khiển hệ thống tưới bình thường. Phương pháp này, giúp tiết kiệm nước tưới và 80% nhân công chăm sóc.
Diệt cỏ dại, sâu bệnh bằng nhiệt mặt trời
Tham gia HTX, các thành viên được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng màng ni lông phủ luống trong thâm canh rau do Dự án JICA triển khai. Đồng thời, được các chuyên gia dự án truyền đạt những kiến thức khoa học, kỹ thuật công nghệ mới VietGAP, GAP cơ bản và marketing khảo sát thị trường... và thực hành áp dụng các tiến bộ kỹ thuật ngay trên đồng ruộng của mình. Từng bước thay đổi nhận thức của người sản xuất độc canh, quảng canh sang sản xuất thâm canh, chuyên canh, xen canh, gối vụ. Đặc biệt, các học viên được trang bị thêm kiến thức thâm canh rau an toàn, có nhà vườn sử dụng màng ni lông phủ luống rau đảm bảo kỹ thuật, việc khử trùng đất diệt cỏ dại, sâu bệnh bằng nhiệt mặt trời.
Theo ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sơn La, sử dụng màng phủ nông nghiệp giúp hạn chế sâu bệnh, dịch hại cho cây con, ngăn chặn chuột cắn phá, chặn cỏ dại, giữ độ ẩm cho đất, tiết kiệm nước tưới, hạn chế mất phân bón. Để phát huy hiệu quả, khi sử dụng, mặt màu bạc của màng phủ được hướng lên trên nhằm tăng lượng ánh sáng phản xạ (hạn chế sâu hại), mặt màu đen úp xuống dưới để che tối mặt đất (hạn chế cỏ dại).
Nguyên tắc khi phủ tấm ni lông trên mặt luống trong 22 ngày ngay trước khi gieo hạt, trồng cây con; năng lượng mặt trời làm tăng nhiệt độ đất liên tục mỗi ngày, giúp xử lý sâu bệnh, cỏ dại; thời điểm khử trùng đất tốt nhất từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8; độ ẩm đất cao hơn sẽ hiệu quả hơn.
Việc các thành viên HTX Nông sản Sơn La dùng màng phủ nông nghiệp trong sản xuất, giúp rau tận dụng được ánh nắng mặt trời phản xạ, cây tăng khả năng quang hợp, tăng năng suất, chất lượng.
Cùng với sử dụng màng phủ, các chuyên gia khuyến cáo thuốc bảo vệ thực vật vi sinh chỉ phát huy tác dụng tốt khi phun vào sáng sớm hoặc chiều mát và khi vết bệnh mới phát sinh.
Anh Lường Văn Tùng, bản Tong Chinh, xã Chiềng Ban, chia sẻ: Trước đây, trồng rau theo phương pháp truyền thống, không có kinh nghiệm, bón phân không đúng cách, không sử dụng màng phủ, rau nhiều sâu bệnh, đất bị chai cứng. Từ ngày áp dụng kỹ thuật màng phủ, năng suất rau trồng tăng 30 - 35%, rau xanh và ngọt hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn của siêu thị, được các đơn vị đến tận vườn thu mua.
Xây dựng chuỗi liên kết bền vững
Nhờ áp dụng quy trình VietGAP và các tiến bộ kỹ thuật trong trồng, chăm sóc rau, củ quả, niên vụ 2023, HTX xuất bán trên 1.200 tấn cải thảo, su hào, súp lơ, dưa chuột, cải bắp, khoai tây và củ cải Hàn Quốc cho siêu thị Co.opmart, Tmart, Winmart và Công ty cung cấp thực phẩm các trường mầm non của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, được một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam thu mua chế biến kim chi, doanh thu đạt gần 9 tỷ đồng.
Theo anh Hiệp, những kết quả đạt được trước hết phải kể đến sự đồng tâm hiệp lực của các thành viên trong HTX, đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau VietGAP, cam kết "5 không", đảm bảo rau, củ, quả được chăm bón bằng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh; đảm bảo cách ly trước thu hoạch với phân bón và thuốc phòng trừ sâu bệnh theo khuyến cáo ghi trên bao gói.
HTX tiếp tục liên kết với các hộ trên địa bàn mở rộng vùng chuyên canh rau an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; trồng rau theo đơn hàng của đối tác, trong đó, chú trọng trồng các loại rau có thế mạnh, như: Cải thảo, cải bắp, dưa chuột, cà chua, củ cải Hàn Quốc, phấn đấu năm 2024, sản lượng và doanh thu của HTX tăng 20 - 30% so với năm 2023, nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!