Thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập, trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, những năm qua, huyện Thuận Châu đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhân dân sản xuất hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở, đánh giá, phân tích nguyên nhân của hộ nghèo, từ đó tham mưu với cấp ủy, chính quyền các giải pháp về định hướng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, như: nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất.
Từ năm 2021 đến nay, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 390 hộ nghèo thiếu đất sản xuất; 646 hộ dân tộc La Ha được hỗ trợ con giống; 504 hộ dân tộc La Ha được tập huấn nâng cao kiến thức về phát triển sản xuất. Tổ chức 7 lớp đào tạo nghề cho 210 lao động vùng khó khăn, hỗ trợ 1 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đầu tư xây dựng 73 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; duy tu, bảo dưỡng 58 công trình cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế tại các xã đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, vận động nhân dân xây dựng 14 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Vận động nhân dân thành lập hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, huyện có 54 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó, 50 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp.
Nổi bật là các mô hình: Gừng trâu; áp dụng kỹ thuật bón phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh nâng cao chất lượng đất trồng lúa; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; nuôi gà H’Mông thương phẩm; vừng đen và mô hình lúa giống mới. Ngoài ra, khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, các xã vùng thấp đã triển khai mô hình nuôi gia súc nhốt chuồng, các xã vùng lòng hồ phát triển nuôi cá lồng, các xã vùng cao phát triển cây sơn tra và nuôi gia cầm. Hiện nay, huyện duy trì chăn nuôi 131.000 con gia súc và 761.000 con gia cầm; khai thác 418 ha mặt nước duy trì nuôi 738 lồng cá.
Ông Quàng Văn Tiếp, Bí thư Đảng ủy xã Liệp Tè, cho biết: Toàn xã có hơn 600 lồng cá, chủ yếu nuôi lăng đen, lăng vàng, trắm đen, nheo... Sản lượng cá thương phẩm đạt trên 25 tấn/năm, là xã dẫn đầu về phát triển cá lồng ở vùng dọc sông Đà của huyện. Mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn xã đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, có cuộc sống khá giả. Riêng năm 2024, xã đã giảm được 8% hộ nghèo.
Các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với các xã rà soát số lao động trong độ tuổi chưa có việc làm, nhu cầu học nghề và nguyện vọng của lao động, đặc biệt quan tâm tới lao động là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Theo dõi, thống kê tình trạng việc làm, thu nhập của lao động nông thôn do cơ sở đào tạo sau học nghề. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, lao động nông thôn, trong đó, tập trung vào các ngành nghề chăm sóc cây trồng, chăn nuôi, may công nghiệp, cơ khí, xây dựng. Tổ chức ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm kết nối người lao động và các đơn vị tuyển dụng lao động giải quyết việc làm. Hiện nay, huyện có hơn 14.000 lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh, mức thu nhập bình quân từ 7-14 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lò Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Bon Phặng, cho biết: Xã có hơn 200 lao động đi làm công nhân tại các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Thu nhập của người đi lao động đạt bình quân khoảng 12 - 14 triệu đồng/người/tháng. Có việc làm ổn định, nhiều gia đình đã tích lũy xây dựng được nhà ở, đầu tư phát triển sản xuất.
Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Thuận Châu giảm còn 18,2%; có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm 2025, huyện tiếp tục ưu tiên các nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho nhân dân; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giúp nhân dân phát triển sản xuất, nhất là tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương để nâng cao thu nhập. Phấn đấu thành lập mới 6 hợp tác xã; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%; tỷ hộ nghèo giảm từ 4% trở lên..., đưa Thuận Châu thoát khỏi huyện nghèo, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!