Duy trì hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã

Những năm qua, các hợp tác xã trên địa bàn huyện Phù Yên đã phát huy tốt vai trò tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm; kết nối tiêu thụ, giải quyết đầu ra sản phẩm nông nghiệp cho thành viên và nông dân; tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Giọng nữ
Thành viên HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, huyện Phù Yên trao đổi kinh nghiệm sản xuất theo hướng hữu cơ.

Huyện Phù Yên có hơn 60 HTX, 10 tổ hợp tác, hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ, vận tải, sản xuất tiểu thủ công nghiệp... với gần 5.000 thành viên. Doanh thu của các HTX đạt từ 800 triệu đồng trở lên; thu nhập bình quân các thành viên từ 120 triệu đồng/năm.

Thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác của Chính phủ và của tỉnh Sơn La, UBND huyện Phù Yên phân bổ gần 2 tỷ đồng hỗ trợ 11 HTX đầu tư thiết kế nhãn mác, mua bao bì đóng gói sản phẩm; thực hiện đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP; hỗ trợ thuê điểm bán sản phẩm... Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn thành viên HTX áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ cách thức quản lý, tổ chức hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, tạo tiền đề HTX phát triển bền vững...

Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên, cho biết: Các HTX, tổ hợp tác xã trên địa bàn đã góp phần làm thay đổi tư duy của nông dân từng bước chuyển sang sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Năm nay, UBND huyện phân bổ trên 500 triệu đồng hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì sản phẩm. Căn cứ vào nhu cầu đăng ký hỗ trợ của các HTX, UBND huyện khảo sát, đánh giá năng lực và giải ngân vốn hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác đủ điều kiện. Ngoài ra, đã kiểm tra hoạt động một số HTX cần sự hỗ trợ về kỹ năng quản lý, định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, từ đó, xây dựng kế hoạch giúp đỡ phù hợp, hiệu quả.

Chị Cầm Thị Ngân, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, xã Quang Huy, cho hay: HTX được Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn phương pháp chăm sóc lúa, ứng dụng phương pháp sản xuất hữu cơ và cách tổ chức sản xuất hợp lý, khoa học. HTX duy trì sản xuất trên 100 ha lúa hữu cơ và nghề dệt thổ cẩm, bó chổi chít. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, HTX đẩy mạnh đăng tải, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội zalo, facebook, tham gia các hội chợ thương mại do huyện, tỉnh tổ chức...

Năm 2020, HTX đồ gỗ gia đình ON’S được thành lập, đã giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. HTX vay hơn 200 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; được ưu tiên, hỗ trợ tiếp cận với vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng sản xuất.

Anh Đặng Ngọc Trung, Giám đốc HTX đồ gỗ gia đình ON’S, chia sẻ: Hiện nay, trung bình một tuần, HTX nhận được đơn đặt hàng 5.000 sản phẩm. Các sản phẩm của HTX đã được bày bán tại các siêu thị ở các thành phố lớn, được nhiều người biết đến thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại do huyện, tỉnh tổ chức. Năm nay, HTX còn được hỗ trợ gần 100 triệu đồng thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, tạo nhận diện thương hiệu.

Các HTX được thành lập và hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất, gia tăng sản lượng hàng hóa, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, hoàn thành tiêu chí về các hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Phù Yên phát triển.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới