Du xuân vùng đất Châu Yên

“Nghe con suối róc rách đang reo vui đón mừng thắng lợi này, bản làng em vừa rồi lập công bắn rơi máy bay Mỹ. A-ha! Dân quân Châu Yên ta với súng trường nhằm thẳng vào mặt kẻ thù bắn “thần sấm” phải rơi”. Lời hát quen thuộc trong ca khúc nổi tiếng “Người Châu Yên em bắn máy bay” của nhạc sĩ Trọng Loan trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứ theo tôi trong suốt hành trình về với Yên Châu, đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Nơi miền quê ấy, tiếng súng đã lùi vào lịch sử, bây giờ đang thức dậy với màu xanh ngút ngàn, được mệnh danh vùng đất “chuối ngọt, xoài thơm” với những sản phẩm có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cùng câu khắp ngân vang khi tết đến, xuân về.

Yên Châu có xoài tròn là giống xoài bản địa, được trồng từ lâu đời, hợp khí hậu và chất đất nên có hương thơm, vị ngọt đậm vị hơn hẳn so với trồng ở những vùng khác. Từ khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, xoài tròn Yên Châu được thị trường biết đến và đón nhận nhiều hơn. Vài năm trở lại đây, huyện đã duy trì và bảo tồn giống xoài này; tuyển chọn cây đầu dòng để tạo giống; tổ chức ghép cải tạo thay thế các giống xoài thoái hóa, già cỗi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng. Đến nay, diện tích xoài tròn của huyện đạt trên 600 ha. Năm 2023, hơn 15.140 tấn xoài được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu 2.190 tấn ra thị trường nước ngoài.

Thăm vườn xoài rộng 60 ha của HTX nông nghiệp Xuân Tiến, xã Sặp Vạt, ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc nói: Giữ thương hiệu “Xoài tròn Yên Châu”, HTX tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản; tuyên truyền thành viên bảo tồn các cây xoài cổ và trồng mới giống xoài tròn ghép cành từ giống đầu dòng đã qua tuyển chọn; đầu tư hệ thống tưới ẩm; áp dụng kỹ thuật trồng theo quy trình VietGAP, hữu cơ, tạo sản phẩm quả to, mã đẹp hơn. Xoài tròn được đóng hộp, dán tem truy xuất nguồn gốc, nhờ vậy, thu hái đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua và tiêu thụ gần 200 tấn xoài, giá bình quân 25.000-40.000 đồng/kg.

Sản xuất chuối sấy dẻo Yên Châu. 

Không chỉ xoài, nông sản đặc trưng nữa của Yên Châu phải kể đến chuối. Toàn huyện có gần 840 ha, sản lượng khoảng 9.000 tấn/năm, chủ yếu là giống chuối tây. Từ năm 2018, chuối Yên Châu được bảo hộ thành công nhãn hiệu với 3 sản phẩm chính là: Chuối quả tươi, chuối sấy dẻo và chuối sấy giòn. Hiện nay, sản phẩm chuối Yên Châu được đưa vào siêu thị, cửa hàng nông sản sạch ở các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Thêm nữa, niềm tự hào của nông dân Yên Châu, năm 2023, sản phẩm mận hậu của huyện Yên Châu được chọn lựa đưa vào suất ăn trong các chuyến bay của Vietnam Airlines. Điều này, khẳng định chất lượng mận hậu Yên Châu, nâng tầm thương hiệu và có thêm nhiều cơ hội chinh phục, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Hiện nay, nông dân Yên Châu trồng mận đặc biệt chú trọng việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và sản xuất mận theo hướng hữu cơ. Với 3.320 ha mận hậu, năm 2023, toàn huyện tiêu thụ được 38.270 tấn quả.

Mận hậu Phiêng Khoài được đánh giá cao về chất lượng. 

Anh Ngô Thái Hải, bản Hang Mon 1, xã Phiêng Khoài, cho biết: Gia đình tôi có 5 ha mận hậu, trung bình sản lượng mỗi năm đạt 80 tấn/vụ, vườn mận mang lại nguồn thu gần 1,5 tỷ đồng. Gần đây, khách hàng rất ưa thích quả mận trái vụ, gia đình đã thử nghiệm biện pháp tác động kỹ thuật làm cho mận ra hoa lệch vụ đối với 1/3 diện tích. Cùng với đó, chuyển hướng chăm bón mận bằng sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh; đầu tư hệ thống tưới ẩm cài đặt định vị qua điện thoại, nhờ đó, cây mận hậu luôn duy trì độ ẩm và dinh dưỡng phù hợp, cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, quả ngọt, được khách hàng ưa chuộng. Vừa qua, gia đình thu khoảng 7 tấn quả mận trái vụ, giá được cao 70.000-120.000 đồng/kg, thu thêm khoảng 500 triệu đồng.

Phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Yên Châu đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân mở rộng diện tích nhãn; áp dụng kỹ thuật rải vụ để tránh áp lực trong tiêu thụ, điển hình là việc ghép cành sang giống nhãn chín muộn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, huyện có gần 2.900 ha nhãn, sản lượng 22.000 tấn quả/năm. Trong đó, diện tích nhãn nhiều nhất trồng tại xã Lóng Phiêng, Tú Nang với gần 1.500 ha.

HTX hoa quả Quyết Tâm, bản Hua Đán, xã Tú Nang có gần 100 ha nhãn được cấp mã số vùng trồng, hầu hết diện tích sử dụng camera giám sát để theo dõi trực tiếp quy trình sản xuất. Năm 2023, sản lượng nhãn phục vụ xuất khẩu của HTX sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 2.000 tấn quả. Ông Dương Minh Hà, Giám đốc HTX, vui vẻ nói: Năm nay, thành viên HTX trúng lớn khi thu hoạch nhãn chín muộn muộn hơn nhãn chính vụ khoảng 1,5 tháng, giá bán ra thị trường tăng cao hơn 5.000-7.000 đồng/kg.

Tích cực tiếp cận, nắm bắt khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, nông dân của vùng đất “chuối ngọt, xoài thơm” nay có thêm niềm tự hào bởi đã trồng đa dạng loại quả đặc sản được thị trường đón nhận, như: Nhãn, mận, lê, bưởi...; các sản phẩm OCOP từ các loại quả như: Xoài sấy dẻo, chuối sấy giòn, chuối sấy dẻo, rượu chuối, long nhãn... được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao về chất lượng. Năm 2023, huyện Yên Châu có tổng giá trị sản phẩm quả các loại đã tiêu thụ đạt 832,3 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt gần 133 tỷ đồng.

Với trên 11.500 ha cây ăn quả, Yên Châu đang là một trong những huyện có diện tích cây ăn quả lớn của tỉnh; sản lượng quả ước đạt trên 93.000 tấn/năm. Hỗ trợ người dân, các HTX mở rộng diện tích, lựa chọn những cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất theo hướng hữu cơ và quy trình VietGAP, huyện đang tiếp tục quản lý, khai thác hiệu quả các cây đầu dòng được công nhận.

          Nông dân xã Phiêng Khoài thu hoạch lê Tai Nung.

Đồng thời, chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy mô liền vùng gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt, phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ để các sản phẩm quả chất lượng cao của huyện đáp ứng yêu cầu thị trường, đem lại giá trị kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Đón xuân mới Giáp Thìn, niềm vui của nhân dân huyện Yên Châu vừa được UBND tỉnh công nhận 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Vùng mận, xã Phiêng Khoài; vùng nhãn, xã Lóng Phiêng và vùng xoài, xã Chiềng Hặc. Đây là điều kiện tiếp tục quảng bá, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm cây ăn quả của huyện Yên Châu, đưa nông sản của huyện ngày một vươn xa.

Dấu ấn về miền quê “Người Châu Yên em bắn máy bay”, hào sảng trong lịch sử, nay càng nhân đôi niềm vui bởi với các mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao. Đó là minh chứng sinh động trong quá trình đổi mới và hội nhập của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Châu, biến vùng đất gian khó một thời thành vựa cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới