Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Châu, nhiều nông dân trên địa bàn có cơ hội đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Nguồn vốn chính sách được xem như “bà đỡ” cho người dân trên hành trình vượt khó vươn lên làm giàu, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ông Lê Xuân Tuyền, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện, thông tin: Với vai trò là cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với người nghèo, Phòng đã tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện phân bổ, điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng cho các xã, thị trấn; chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với các đối tượng thụ hưởng có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn kịp thời. Bố trí điểm giao dịch để giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi... ; vận động các nguồn lực hỗ trợ người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Hiện nay, Phòng đang triển khai thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách. Trong đó, nhiều chương trình đặc thù dành cho người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, tạo sinh kế, việc làm khác, như: Vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ duy trì, tạo việc làm, mở rộng quy mô sản xuất; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, người chấp hành xong án phạt tù... Quản lý các chương trình tín dụng, Phòng đã thực hiện ủy thác vốn vay thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TT&VV) của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có 15.895 khách hàng vay vốn, tổng dư nợ trên 784 tỷ đồng.
Đưa các chương trình tín dụng đến đúng đối tượng, Phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền về lợi ích cũng như những quy định về tín dụng chính sách; rà soát đối tượng vay vốn; hướng dẫn thành lập các TT&VV tại các bản, tiểu khu. Phân công cán bộ phối hợp với các xã, thị trấn về cơ sở kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ, lãi tồn đọng. Năm 2023, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 4.294 lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong đó, các hộ đã đầu tư chăn nuôi hơn 39.000 con gia súc, gia cầm; trồng và chăm sóc trên 194 ha cây cà phê, chè; tạo việc làm và hỗ trợ việc làm cho 476 lao động; xây dựng 792 công trình nước sạch và 792 công trình vệ sinh môi trường nông thôn đạt tiêu chuẩn quốc gia; 14 gia đình xây mới nhà ở…, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 23,77%, giảm 7,2% so với năm 2022; tỷ lệ hộ cận nghèo 12,94%, giảm 3,26% so với năm 2022.
Với 9.896 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 29 cơ sở hội, Hội Nông dân huyện đã thực hiện tốt chương trình ủy thác cho vay từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH. Qua 147 tổ TK&VV, Hội đã có 4.897 hội viên tiếp cận nguồn vốn, tổng dư nợ trên 192 tỷ đồng. Việc giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả, tổng hợp mang lại thu nhập cao, trong đó 1.731 hộ thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm; 988 hộ thu nhập gần 200 triệu đồng/năm; 156 hộ thu nhập 300 triệu đồng và 10 hộ thu nhập từ 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng/năm.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân. Đơn cử như trường hợp của gia đình ông Lò Văn Toán, bản Heo Trại, xã Chiềng Pha. Năm 2015, qua tổ chức Hội Nông dân xã, gia đình ông được vay 10 triệu đồng mua giống cây cà phê. Năm 2021, gia đình ông Toán đã thoát nghèo. Tháng 6/2023, ông tiếp tục được tạo điều kiện vay vốn sản xuất, kinh doanh với số tiền 100 triệu đồng. Ông Toán phấn khởi cho biết: Nhờ có vốn vay chính sách mà gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế. Với hơn 1 ha cà phê vụ vừa qua, gia đình thu lãi 40 triệu đồng. Nâng cao thu nhập, năm nay gia đình tôi tiếp tục đầu tư trồng 1ha cây cà phê nữa.
Hay gia đình anh Lường Văn Thường, bản Bỉa, xã Phổng Lăng, là hộ nghèo của bản. Năm 2023, gia đình anh được tiếp cận nguồn vốn vay chính sách 100 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi. Hiện nay, gia đình anh có 6 con bò đực, 6 con lợn, chăm sóc 5.000 m2 cà phê. Anh Thường còn mở thêm nghề sửa chữa xe máy, thu nhập của gia đình ngày càng được nâng lên.
Ông Lò Văn Hòa, Tổ trưởng tổ TK&VV bản Thẳm, xã Tông Lạnh, chia sẻ: Hiện nay, tổ có 54 thành viên vay vốn, tổng dư nợ trên 3,4 tỷ đồng. Vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH trở thành “bà đỡ” giúp bà con đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tôi luôn cố gắng nắm bắt kịp thời những vấn đề liên quan đến chính sách tín dụng để xét chọn đối tượng được thụ hưởng, quá trình sử dụng vốn vay đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả, giúp hộ vay trả lãi và gốc đúng thời gian quy định. Hầu hết các hộ vay vốn trong tổ đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, trả lãi và gốc đúng thời hạn; không có trường hợp nợ xấu.
Đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với nhân dân, Phòng tiếp tục tham mưu phân bổ, điều chỉnh, giải ngân nguồn vốn các chương trình đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời và hiệu quả; xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau cho vay đối với các hộ vay vốn; cập nhật, phân tích nợ quá hạn đến từng hộ vay theo nhóm giải quyết. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động ủy thác, hoạt động Tổ TK&VV; hướng dẫn đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Banking, ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách..., giúp nhân dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, góp phần phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!