Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế

Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu đã tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.

Ông Trần Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, cho biết: Bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng năm, đơn vị chỉ đạo cán bộ phụ trách các xã rà soát nhu cầu của nhân dân, để tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phù hợp với khả năng tiếp thu của bà con. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện triển khai nhiều mô hình nông nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất.

Cán bộ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Thuận Châu hướng dẫn bà con bản Nong Lào, xã Chiềng Pha, chăm sóc chè.

Trung tâm hướng dẫn các xã sản xuất đúng khung thời vụ; điều tra theo dõi diễn biến sâu bệnh hại trên cây trồng, từ đó dự báo tình hình kịp thời, không để sâu bệnh bùng phát thành dịch, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây trồng. Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 14 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho trên 500 lượt người tại các xã trên địa bàn. Tiêm hơn 122 nghìn liều vắc xin phòng dịch bệnh nhiệt thán, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả, bệnh dại cho đàn vật nuôi tại các xã, thị trấn.

Đồng thời, phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tổ chức 3 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu cho 400 lượt người dân các xã Chiềng Pha, Phổng Lập, Muổi Nọi, Bản Lầm. Cùng với các công ty giống cây trồng triển khai mô hình trình diễn các giống lúa nếp A Sào, nếp Ngọc Lam, Dự Hương, Đài thơm  quy mô 16 ha tại xã Chiềng Ly, Chiềng Pấc.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững. Trong đó, hỗ trợ 30 con bò giống địa phương cho 30 hộ nghèo tại xã Thôm Mòn, Chiềng Ly, tổng kinh phí là 395 triệu đồng...

Cán bộ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Thuận Châu hướng dẫn nhân dân xã Tông Cọ chăm sóc bò nhốt chuồng.

Trước đây, bà con xã vùng cao É Tòng nuôi gà đen thả tự nhiên, quy mô nhỏ lẻ. Tháng 1/2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai mô hình nuôi gà đen. Theo đó, hỗ trợ 3.500 con gà đen giống cho 5 hộ dân bản Nà Muông, Nà Hem và bản Tở, tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ thức ăn, vắc xin phòng bệnh, kỹ thuật chăn nuôi.

Anh Lò Văn Pâng, bản Tở, xã É Tòng, cho biết: Gia đình tôi được hỗ trợ 1.000 con gà đen giống; sau 4 tháng, xuất bán gần 1 tấn thịt gà thương phẩm, với giá từ 100-120 nghìn đồng/kg, thu hơn 100 triệu đồng. Tôi và các hộ được hỗ trợ gà giống đã thành lập HTX Nông nghiệp sinh thái EFRAM. Hiện nay, HTX có 10 thành viên, nuôi từ 5.000 đến 6.000 con gà/lứa. Tháng 5 vừa qua, HTX xuất bán gần 3 tấn gà thương phẩm, thu trên 400 triệu đồng. Sản phẩm thịt gà của HTX được thị trường các tỉnh trong nước ưa chuộng.

Bà con xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu chăm sóc thanh long

Mô hình trồng chè của bản Nong Lào, xã Chiềng Pha thường xuyên được cán bộ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGAP, hiện nay chè đang được thu mua xuất khẩu. Ông Lò Văn Sứa, Phó Bí thư Chi bộ bản Nong Lào, cho hay: Bản có 78 hộ, trồng 62 ha chè Kim Tuyên và chè lai LDP1, LDP2; trong đó, 38 ha được áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng phân bón hóa học, chủ yếu dùng phân bón hữu cơ, xử lý đất bằng công nghệ sinh học. Sản lượng trung bình đạt hơn 620 tấn chè búp tươi/năm, được Công ty TNHH Trà Thu Đan, xã Phổng Lái, thu mua, chế biến, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã hoàn thành việc rà soát, tổng hợp nhu cầu đào tạo nghề theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, 1.756 học viên tại 22 xã đăng ký nhu cầu đào tạo thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, như: Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả; phòng và điều trị bệnh cho đại gia súc; nuôi trồng thủy sản; trồng, chế biến nấm; may dân dụng; sửa chữa điện, điện thoại, xe máy...

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu đã và đang là “cầu nối” đưa khoa học kỹ thuật đến với nhân dân, góp phần đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân trong huyện.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới