Định vị thương hiệu nông sản Phù Yên

Trong ngày đầu năm mới, chúng tôi về Phù Yên được nghe những câu chuyện của các lão nông tham gia xây dựng, định vị thương hiệu cho nông sản “Cam Phù Yên”, “Gạo Phù Yên” thật ấm lòng. Các thương hiệu này được Cục sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý, tạo đà cho nông nghiệp của huyện mở rộng quy mô, nâng cao giá trị kinh tế, phát triển bền vững, giúp nông dân vươn lên làm giàu.

Thương hiệu từ cây ăn quả có múi

Về xã Mường Thải, trò chuyện với anh Nguyễn Văn Sự, bản Văn Phúc Yên - một trong những người tiên phong chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ. Anh Sự chia sẻ: Năm 2019, tôi áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ và cách ly vườn cây hơn 1 năm. Đến nay, vườn cam sản xuất theo hướng hữu cơ đã mở rộng lên 4ha, năng suất đạt 8-10 tấn/ha, mừng nhất là quả cam rất ngọt và mọng nước. Vào vụ thu hoạch, toàn bộ sản phẩm được thương lái đặt mua. Từ vườn cam, mỗi năm gia đình thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Vườn cam bản Văn Yên, xã Mường Thải.

Ngoài xã Mường Thải, các xã Tân Lang, Mường Cơi cũng có diện tích cây ăn quả lớn nhất, nhì huyện với khoảng 400 ha cây ăn quả đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 5.900 tấn quả/năm. Đón xuân mới, nông dân tất bật thu hoạch cam, quýt bán cho thương lái. Chứng kiến thành quả nhân đôi của bà con năm nay khi cây ăn quả có múi được mùa, được giá, tôi vui lây.

Ông Lê Hồng Tân, bản Thịnh Lang 1, xã Tân Lang, chia sẻ: Gia đình tôi có trên 1,5ha trồng bưởi da xanh, bưởi diễn và bưởi hoàng được trồng theo hướng sản xuất sạch, an toàn. Vườn này được trồng từ năm 2013, ban đầu chỉ trồng để làm niềm vui tuổi già. Sau này khi được vận động chuyển sang trồng bưởi VietGAP, tôi cũng học và làm theo với mục tiêu là bảo vệ môi trường, tránh tác hại của thuốc hóa học. Nhờ vậy, quả khi thu hoạch đều được tiêu thụ tốt, sản phẩm chăm sóc cây theo hướng VietGAP, nên chất lượng đảm bảo, nhiều mối hàng lâu năm vẫn giữ liên lạc để mua. Riêng với bưởi để bán tết, nhu cầu mua bưởi của bà con tăng, giá nhích lên 30.000 - 80.000/quả tùy loại.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, thương hiệu “Cam Phù Yên” được cấp chỉ dẫn địa lý, là cơ hội cho người trồng cây ăn quả xây dựng vùng sản xuất chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập.

Đến giá trị cây lúa trên cánh đồng Mường Tấc

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Phù Yên”.

Năm 2019, huyện Phù Yên chọn HTX Dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, xã Quang Huy, thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ. Cùng với việc hỗ trợ giống lúa, phân bón và vật tư nông nghiệp trong thời gian thử nghiệm, huyện còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đăng ký, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Chị Cầm Thị Ngân, Giám đốc, chia vui: Hiện nay, HTX thâm canh 126 ha lúa theo phương pháp hữu cơ, năng suất bình quân 6-7 tấn thóc/ha/vụ. Giá bán sản phẩm cao hơn loại gạo khác 10-15%. Sản phẩm gạo hữu cơ chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy, HTX dự định liên kết với các hộ dân trong khu vực, mở rộng quy mô sản xuất thêm 50ha. Đồng thời, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất các thành viên HTX, giữ vững thương hiệu “Gạo Phù Yên”.

Nông dân bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy thu hoạch lúa hữu cơ.

Với phương châm “chậm mà chắc”, sản phẩm “Gạo Phù Yên” từng bước khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức, giúp sản phẩm “Gạo Phù Yên” được biết đến rộng rãi hơn, tạo cơ hội liên kết tiêu thụ sản phẩm với các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Năm nay, nông dân Phù Yên vui mừng, khi tháng 11/2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Phù Yên”, cho các giống lúa: BC15, J02, Đài thơm 8... góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng, giá trị vững chắc, nâng cao vị thế sản phẩm “Gạo Phù Yên” vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Nói về việc trồng lúa hữu cơ, ông Cầm Văn An, Chủ tịch UBND xã Quang Huy, cho hay: Nông dân trong xã được hỗ trợ, hướng dẫn trồng thử nghiệm lúa hữu cơ: J02, BC15 và Đài Thơm 8... trên diện tích 30ha, đến nay tăng lên 80ha. Sự cần cù chịu khó của nông dân ứng dụng kỹ thuật chăm sóc, đưa giống mới vào gieo trồng, cộng với kinh nghiệm cấy lúa trên cánh đồng Mường Tấc, đã mang lại thành quả khi cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ. Sản lượng đạt trên 300 tấn thóc/vụ, từng bước định hình thương hiệu để nhân rộng.

Xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Câu chuyện làm nông nghiệp của các bậc tiền nhân tuy đã được đúc kết thành ca dao “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, bây giờ không chỉ lo đủ ăn mà còn thêm nhiều yếu tố để sản phẩm trở thành hàng hóa. Phù Yên có khoảng 22.000ha đất sản xuất nông nghiệp. UBND huyện đã yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ ứng dụng khoa học kỹ thuật, bảo đảm sản xuất nông nghiệp an toàn, đồng thời, hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX sản xuất duy trì thương hiệu. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo hướng đến việc tạo chuỗi sản xuất, vận động người nông dân liên kết “3 nhà”, từ đó, củng cố vững chắc vị thế thương hiệu “Gạo Phù Yên”, “Cam Phù Yên” đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, cho biết: Thực hiện Đề án số 03-ĐA/HU ngày 28/1/2021 của Huyện ủy, đến hết năm 2023, huyện đã hỗ trợ 400 tỷ đồng đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với cây ăn quả có múi, lúa, rau, chè... xây dựng trên 7.300 m2 nhà màng, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho 19 ha trồng các loại cây ăn quả; mở rộng thêm 62 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; sản xuất 5 ha rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP...

Trong bối cảnh yêu cầu về chất lượng nông sản ngày càng cao, huyện Phù Yên tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu “Gạo Phù Yên”, “Cam Phù Yên” bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất một cách đồng bộ từ khâu chọn giống, chăm sóc đến vận chuyển, bảo quản... bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như thị hiếu tiêu dùng hiện nay.

Xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực của địa phương, không chỉ làm lợi cho nông dân, còn góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế địa phương. Đón xuân mới Giáp Thìn, nông dân Phù Yên vững niềm tin đưa những sản phẩm nông sản đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Phù Yên”, “Cam Phù Yên” tiếp tục vươn xa đến mọi miền, mọi vùng của đất nước và hướng đến xuất khẩu, để mỗi dịp tết đến, xuân về, rộn thêm tiếng cười trong mỗi gia đình.

Cánh đồng Mường Tấc, huyện Phù Yên.
Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới