Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu nông sản khi Trung Quốc mở cửa

Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc đã gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống Covid-19 (bỏ chính sách “zero Covid-19”) tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả hàng hóa đông lạnh. Cùng với nông sản cả nước, đây là tín hiệu vui cho nông sản Sơn La sau 3 năm thị trường tỷ dân này thực hiện chính sách “Zero Covid-19”.

Nắm bắt cơ hội

Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng hơn 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Các mặt hàng nông sản của Sơn La xuất sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là chuối, tinh bột sắn, thanh long, xoài, nhãn, chè...

Chính sách mới (bỏ chính sách “zero Covid-19”) nêu trên của Trung Quốc đã lập tức có tác động tích cực đến thị trường nông sản Việt Nam nói chung, cũng như triển vọng xuất khẩu nông sản của Sơn La nói riêng.

 Công nhân Nhà máy chế biến tinh bột sắn BHL vận hành dây chuyền sản xuất.    

 

Sở Công Thương tỉnh Sơn La đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía bắc, thông báo tới các doanh nghiệp, HTX về việc gỡ bỏ các biện pháp xét nghiệm axit nucleic tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc; cập nhập thông tin về tình hình thông quan, yêu cầu của thị trường Trung Quốc, cung cấp cho các doanh nghiệp, HTX để chủ động có kế hoạch xuất khẩu hàng hóa, tránh ùn tắc và các tác động bất lợi khác. Xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với thị trường Trung Quốc năm 2023, trong đó, tập trung lồng ghép với các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tổ chức.

Nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp, HTX đã chủ động kế hoạch sản xuất cho thị trường Trung Quốc, nâng cao giá trị xuất khẩu. Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới, 3 tháng trở lại đây, không khí làm việc tại HTX Nông nghiệp Mạnh Khôi, xã Mường Bú luôn tất bật. Chị Phạm Thị Thúy, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: Khi Trung Quốc mở cửa, các cửa khẩu không còn tình trạng ùn tắc nữa, trung bình mỗi ngày HTX thu mua xuất khẩu khoảng 20-30 tấn chuối, giá chuối hiện tại đang tăng, thủ tục thông quan nhanh chóng, dự kiến năm nay, HTX sẽ xuất khẩu khoảng 5.000 tấn chuối sang Trung Quốc.

Còn tại Nhà máy tinh bột sắn Phú Yên, ở xã Mường Bon, không khí lao động cũng hết sức khẩn trương. Ông Ngô Quang Tuấn, Phó Giám đốc Nhà máy, phấn khởi: Nắm thông tin Trung Quốc thông quan, Ban lãnh đạo nhà máy làm việc với tất cả các đối tác để nối lại xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ, mặc dù giá chưa được như kỳ vọng nhưng hàng đi đều, doanh thu tăng dần, mang lại nhiều tín hiệu khả quan. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kết nối giao thương để tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, phấn đấu xuất khẩu khoảng 30 nghìn tấn tinh bột sắn sang nước bạn trong năm 2023.

Tại Công ty TNHH Trà Thu Đan, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, năm 2022, đơn vị ký kết hợp đồng xuất khẩu 100 tấn chè, song có 30 tấn chè không xuất được sang Trung Quốc do bị đóng cửa khẩu. Anh Phạm Văn Doanh, Giám đốc Công ty, thông tin: Sau khi Trung Quốc thông quan, đơn vị đã làm việc với đối tác bên Trung Quốc, đang chỉ đạo công nhân đóng gói chè theo đúng tiêu chí của đối tác yêu cầu, ước xuất khẩu năm nay đạt 150 tấn - 200 tấn chè khô.

Đối mặt với sức ép cạnh tranh

Sau khi phía Trung Quốc điều chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid-19 từ đầu tháng 1, tình hình xuất khẩu nông sản Sơn La qua các cửa khẩu phía Bắc đã tăng mạnh. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện triển khai nhiều chính sách mới để đưa hoạt động nhập khẩu, nhất là nâng cao các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đã đặt ra những thách thức đối với các doanh nghiệp và nông dân Sơn La trong việc xuất khẩu nông sản vào thị trường lớn nhất thế giới này.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, cho hay: Các chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc tiếp tục thắt chặt và ngày càng “khó tính”. Đồng thời, tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào - Thái Lan đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển nông sản từ các nước ASEAN vào Trung Quốc, nhất là nông sản Thái Lan, do đó làm gia tăng sức ép cạnh tranh đối với nông sản Việt Nam. Hơn nữa, xu thế của thị trường Trung Quốc là đẩy mạnh buôn bán bằng hình thức thương mại điện tử, cộng với sản xuất, nuôi trồng nội địa của Trung Quốc đang dần được khôi phục đã khiến hàng Việt cũng ngày càng phải đối mặt với cạnh tranh lớn khi xuất khẩu sang thị trường này.

Cần các giải pháp đồng bộ

Trung Quốc mở lại toàn bộ cửa khẩu đường bộ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp nông sản Sơn La, nhưng để thành công trên thị trường này, các doanh nghiệp cần phải thực hiện các giải pháp để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt tại thị trường Trung Quốc.

Các hộ sản xuất ở xã Mường Bú, huyện Mường La đóng gói chuối để chuẩn bị xuất khẩu.

Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố biên giới phía Bắc cập nhật tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu, thông tin dự báo và phân tích thị trường; kịp thời tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất đơn vị có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, HTX khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX của tỉnh tham gia các hội nghị kết nối giao thương (bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến), các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại với các đối tác tại Trung Quốc, tập trung vào thị trường tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc); tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba, EC21, AGRIMP...

Song hơn hết, các doanh nghiệp nông sản Sơn La cần phải chú trọng xây dựng thương hiệu và bảo hộ thương hiệu tại thị trường Trung Quốc; dần chuyển đổi hình thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch nhằm tránh các rủi ro về kinh tế; nghiên cứu thị trường, đưa ra giá cả cạnh tranh và tìm kiếm những ưu thế độc đáo của sản phẩm; chủ động hơn nữa trong tiếp cận và làm chủ công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị; cải thiện quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và đáp ứng các yêu cầu khác về an toàn thực phẩm, kiểm soát tốt an toàn phòng dịch ngay cả khi thị trường Trung Quốc đã không còn áp dụng, nhằm tránh bị động trong trường hợp Trung Quốc bất ngờ tái áp dụng chính sách “Zero Covid-19”. Có như vậy mới hy vọng ổn định xuất khẩu sang thị trường tỷ dân lâu dài, từng bước khẳng định vững chắc giá trị nông sản Sơn La.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Quốc phòng -
    Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình của đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, phong trào, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.
  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
  • 'Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động trên vùng đất quần cư lâu đời của nhiều dân tộc, với sự đan xen, dung hòa các giá trị văn hóa đậm bản sắc, cùng nhiều di tích lịch sử, các nhà máy thủy điện và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, hội viên Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Mường La đã có nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, giới thiệu hình ảnh quê hương Mường La với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
  • 'Hỗ trợ kỹ năng livestream bán nông sản cho nông dân

    Hỗ trợ kỹ năng livestream bán nông sản cho nông dân

    Kinh tế -
    Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, livestream bán hàng đã tạo nên một làn sóng mới trong thương mại điện tử, nhất là bán sản phẩm nông sản. Với tính tương tác cao, khả năng giới thiệu sản phẩm chi tiết và minh bạch, livestream đã trở thành công cụ hiệu quả để thu hút khách hàng, tăng doanh thu cho nông sản.