Đảm bảo đầu ra cho nông sản, UBND huyện Mường La ban hành kế hoạch chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp. Trọng tâm là ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại kết nối và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho nông dân.

Mường La có 9.647 ha cây ăn quả, cây sơn tra; trong đó, 2.799 ha xoài, 917 ha nhãn, 1.992 ha chuối, 2.500 ha cây sơn tra, còn lại là dứa, cây ăn quả có múi, sản lượng dự kiến đạt 33.000 tấn. Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: Hỗ trợ người dân và các HTX, huyện đã xây dựng kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản năm 2025. Qua đó, xác định rõ sản lượng, thời vụ, phương án tiêu thụ cụ thể với từng loại trái cây, doanh nghiệp, HTX, tiểu thương đăng ký bao tiêu trên địa bàn, thị trường tiêu thụ từng loại nông sản.
Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên cử cán bộ phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn các HTX, hộ nông dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, VietGAP cho xoài, nhãn, chuối; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Nhờ sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, đến nay, huyện Mường La có 104 ha xoài, 122 ha nhãn, 407 ha chuối được cấp mã số vùng trồng, 45 ha xoài, 40 ha nhãn, 80 ha chuối đạt chứng nhận VietGAP và 20 ha sơn tra đạt chứng nhận hữu cơ.

Mường Bú là xã có diện tích cây ăn quả nhiều nhất huyện, với 1.976 ha, 6 HTX sản xuất, bao tiêu nông sản. Ông Lò Văn Thương, Chủ tịch hội đồng quản trị HTX Minh Thương, tiểu khu 2, cho biết: HTX có 7 thành viên, diện tích 34 ha xoài, 20 ha nhãn; trong đó, 20 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, quả xoài đã đạt trọng lượng 300-400g/quả, còn nhãn chín sớm sắp thu hoạch. HTX luôn hướng dẫn, giám sát thành viên thực hiện quy trình chăm sóc, đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt chuẩn VietGAP.
Còn với HTX Nông nghiệp Mường Bú, có 12 thành viên, đang quản lý 40 ha xoài, 16 ha nhãn, 20 ha táo, ổi và cây ăn quả có múi. HTX liên kết với hơn 100 hộ trong tỉnh, để bao tiêu sản phẩm. Ông Vũ Đăng Kế, Giám đốc HTX, cho biết: HTX khuyến khích các thành viên áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Đến nay, tất cả diện tích cây ăn quả của HTX đạt chứng nhận VietGAP. Mỗi ngày, cung cấp 3-5 tấn rau, củ, quả cho thị trường trong tỉnh và Hà Nội.
Thêm tin vui cho nông dân Mường La về việc tiêu thụ nông sản niên vụ 2025, hiện nay, Nhà máy bảo quản, chế biến và sản xuất các sản phẩm nông sản, bản Cứp, xã Mường Bú, của Công ty CP Musa Green đang trong giai đoạn lắp ráp dây chuyền sản xuất và dự kiến đưa vào vận hành trong quý II/2025. Nhà máy có công suất thiết kế mỗi năm bảo quản từ 4.000 đến 6.000 tấn nông sản, sản xuất 1 triệu m³ sợi chuối và sử dụng trung bình 5 tấn quả chuối/ngày để sản xuất bột chuối và các sản phẩm về chuối... với tổng doanh thu dự kiến gần 560 tỷ đồng/năm.
.jpg)
Ông Nguyễn Văn Tâm, cho biết thêm: Để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản, huyện Mường La mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, cá nhân, xây dựng bảo hộ nhãn hiệu các mặt hàng nông sản xuất khẩu: Xoài, chuối, nhãn; gia hạn mã cơ sở đóng gói xuất khẩu chuối tây. Đồng thời, hỗ trợ huyện thu hút nhà máy chế biến quả sơn tra và các loại trái cây khác, giúp nâng cao giá trị nông sản.
Với phương án, kịch bản tiêu thụ chi tiết cho từng loại nông sản cùng nỗ lực của các doanh nghiệp, HTX và hộ dân, huyện Mường La đặt mục tiêu toàn bộ nông sản được kết nối tiêu thụ hết, trong đó: Tiêu thụ trong nước 28.600 tấn trái cây; xuất khẩu khoảng 3.400 tấn chuối quả tươi, 1.000 tấn xoài sang Trung Quốc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!