Sau khi thủy điện Sơn La hoàn thành đưa vào sử dụng, đã tạo ra một tiềm năng về diện tích mặt nước rất lớn phù hợp cho việc nuôi trồng thủy sản. Các huyện: Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La đã tận dụng lợi thế về mặt nước để phát triển nghề nuôi cá lồng.
Thành viên HTX Hợp Lực, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) thu hoạch cá lồng.
Các sản phẩm cá nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La đa phần nuôi theo hình thức bán công nghiệp, cùng với nguồn nước đầu nguồn sạch nên cá được nuôi ở đây chất lượng thịt thơm ngon. Tuy nhiên, đến nay, thương hiệu cá lòng hồ sông Đà vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Đưa chúng tôi đi thăm các lồng cá, ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc HTX Hợp Lực, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai), chia sẻ: HTX hiện có trên 200 lồng nuôi các loại cá: trắm đen, chép, nheo, lăng, diêu hồng với sản lượng bình quân khoảng 200 tấn/năm. Các loại cá được nuôi trên lòng hồ thủy điện phát triển tốt, chất lượng thịt cá thơm ngon, nhưng hiện nay HTX đang gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm cá. Vì chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm cá lòng hồ thủy điện nên việc liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Sản phẩm cá của HTX, chủ yếu bán lẻ cho các nhà hàng trong tỉnh và một số tỉnh lân cận và phải bán đổ cho các thương lái để mang đi tiêu thụ ở các tỉnh miền xuôi, dẫn đến bị các tư thương ép giá bán.
Không chỉ HTX, mà các hộ nuôi cá lồng cũng gặp khó khăn trong đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Gia đình ông Tòng Văn Hóa, bản Bỉa, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) đang có 8 lồng cá. Khi nuôi, ông Hóa phấn khởi khi thấy cá lớn nhanh, lại tận dụng được nguồn thức ăn cho cá từ tự nhiên, giảm chi phí trong quá trình nuôi. Thế nhưng, đến khi cá có thể xuất bán thì gia đình ông lại đau đầu vì không dễ tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên lồng cá đang đến kỳ thu hoạch, ông Hóa tâm sự: Hiện nay, số lượng các gia đình nuôi cá lồng trong xã tăng nhanh, sản phẩm cá ngày càng nhiều mà lượng tiêu thụ tăng không đáng kể. Thi thoảng cũng có một số thương lái đến hỏi mua, nhưng họ trả giá thấp với lý do cá dưới xuôi mang lên bán trên này giá rẻ hơn. Mặc dù biết là cá do người dân ở đây nuôi có chất lượng tốt hơn nhưng do chưa có thương hiệu cụ thể nên khó có thể phân biệt và cạnh tranh với cá từ miền xuôi chuyển lên.
Không chỉ có gia đình ông Hóa mà nhiều gia đình khác đang nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà ở các huyện: Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La... cũng mắc ở khâu tiêu thụ sản phẩm cá. Một trong những nguyên nhân chính ở đây là việc chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm cá lòng hồ sông Đà, từ đó dẫn đến việc liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ sản phẩm hầu như không có. Hơn nữa các HTX, gia đình nuôi cá không theo quy trình nhất định, nên kỹ thuật nuôi khác nhau, dẫn đến chất lượng cá cũng khác nhau nên việc xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm cá lòng hồ thủy điện khó khăn.
Với vai trò là cơ quan hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La đã tổ chức Hội thảo Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cá lòng hồ sông Đà - Sơn La” cho sản phẩm cá lòng hồ sông Đà của tỉnh Sơn La. Hội thảo có sự tham dự của 20 đại biểu đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam); đại diện các huyện; các công ty, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm cá lòng hồ sông Đà tại các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La. Hội thảo đã thống nhất, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La là đơn vị chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Cá lòng hồ Sông Đà - Sơn La”; đối tượng mang nhãn hiệu là cá tươi và cá chế biến với 7 loài cá chính đang nuôi phổ biến là: cá lăng, cá trê, cá trắm, cá chép, cá diêu hồng, cá rô, cá nheo; người sử dụng nhãn hiệu là các hợp tác xã, hộ nuôi cá của 3 huyện: Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu. Logo cá lòng hồ Sông Đà - Sơn La có thể gắn lên phương tiện vận chuyển, bao bì...
Ông Lò Văn Khặn, Giám đốc HTX thủy sản Chiềng Bằng phấn khởi khi biết được thông tin về việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Cá lòng hồ sông Đà - Sơn La”. Ông Khặn cho biết: Hiện tại, HTX có 45 thành viên đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ cá thành phẩm. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá lòng hồ sông Đà góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, dần tiến tới việc xây dựng đầu ra ổn định cho sản phẩm cá.
Xây dựng thương hiệu thành công, giúp các thành viên của các HTX, các hộ dân nuôi trồng thủy sản yên tâm mở rộng quy mô, học hỏi thêm kỹ thuật nuôi để khi xuất bán cá chất lượng tốt, từng bước đưa thương hiệu cá lòng hồ sông Đà vươn ra các thị trường lớn, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!