Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chanh leo Sơn La”

Đến cuối năm 2020, diện tích chanh leo trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.800 ha, với sản lượng quả đạt trên 18.000 tấn/năm. Con số nói lên nhiều điều, mà ở đó là chú trọng khâu quy hoạch gắn điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác, tiếp cận thị trường giải quyết đầu ra cho sản phẩm, nâng cao đời sống của nhân dân.

                                

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp bàn giao bộ nhận diện sản phẩm chanh leo Sơn La cho HTX chanh leo Thuận Châu.

           

Để phát triển bền vững cây chanh leo theo hướng hàng hóa gắn với việc chế biến, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho UBND tỉnh Sơn La phê duyệt Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chanh leo Sơn La” cho sản phẩm quả chanh leo của tỉnh Sơn La” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện.

           

Thạc sỹ Bùi Quang Duẩn, Chủ nhiệm đề tài, thông tin: Chúng tôi đã lựa chọn các HTX có đủ điều kiện và có nhu cầu để tham gia quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Qua khảo sát, đã lựa chọn 6 đơn vị HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La để hỗ trợ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho các HTX, hỗ trợ về hệ thống tem truy xuất nguồn gốc QR Code, hệ thống tem truy xuất sản phẩm, cũng như hệ thống nhận diện bao bì để người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm chanh leo Sơn La. Đồng thời, kết nối các HTX với các siêu thị ở Hà Nội, như: Siêu thị Happy Mart, Siêu thị K&K, Big Green và Công ty Thiên Cảnh để giới thiệu sản phẩm.

           

Năm 2020, nhãn hiệu chứng nhận “Chanh leo Sơn La” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với vùng bảo hộ nhãn hiệu, gồm các huyện: Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu và Phù Yên. Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho các tổ chức, tập thể, gồm: HTX A Ca, HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, HTX nông nghiệp Quyết Thanh Mộc Châu, HTX nông nghiệp Hoa Mơ, HTX Quỳnh Nghĩa, HTX chanh leo Thuận Châu, HTX Chanh leo Khu Han. Đơn vị thực hiện Dự án đã bàn giao 100 sổ tay, 4.500 tờ rơi, 60 poster, 6.600 bao bì, 9.900 nhãn mác cho các đơn vị sản xuất chanh leo tham gia Dự án.

           

Ông Thào A Hồ, Phó Giám đốc HTX chanh leo Thuận Châu, chia sẻ: Nhãn hiệu chứng nhận là cơ hội phát triển thương hiệu chanh leo Sơn La khi người mua có thể nhận biết sản phẩm này từ đơn vị, địa phương nào, từ đó yên tâm hơn khi sử dụng và góp phần đưa sản phẩm vươn đến các thị trường tiềm năng trong nước và nước ngoài.

           

Thạc sỹ Bùi Quang Duẩn, Chủ nhiệm đề tài, thông tin thêm: Phát triển chanh leo theo hướng bền vững, sản phẩm của các đơn vị trong vùng bảo hộ nhãn hiệu phải đảm bảo quy trình sản xuất chặt chẽ, an toàn, canh tác theo hướng hữu cơ; các đơn vị, HTX đã chế biến đa dạng sản phẩm quả chanh leo tươi truyền thống, sản phẩm nước cốt chanh leo, mứt chanh leo được người tiêu dùng đánh giá cao. Đến nay, sản phẩm chanh leo Sơn La đã đến được các thị trường Hà Nội qua kênh tiêu thụ các cửa hàng thực phẩm sạch.

           

Trong khuôn khổ Dự án, nâng cao năng lực cho chủ sở hữu, cơ quan phối hợp quản lý và các cá nhân, tổ chức sử dụng nhãn hiệu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp đã phối hợp cùng với các cơ quan chuyên môn của các huyện, thành phố tổ chức tập huấn cho các đơn vị, HTX và người dân về nhãn hiệu chứng nhận, quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, marketing và phát triển thị trường sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận theo chuỗi giá trị.

           

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu, nói: Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đã khó, việc duy trì và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm cũng rất cần được quan tâm. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và các sở, ngành, chúng tôi sẽ hướng dẫn, hỗ trợ người dân, HTX đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cũng như xuất khẩu sản phẩm.

           

Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, trong đó có sản phẩm chanh leo được quan tâm, giúp nâng cao giá trị kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản trên thị trường, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới