Với mục tiêu không ngừng đẩy mạnh hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, những năm qua, hoạt động về Sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được kết quả, từng bước tạo ra môi trường đầu tư và sự cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nâng cao giá trị các sản phẩm.
Hội thi hái chè trên cao nguyên Mộc Châu.
Hiện nay, các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đang giúp cho các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý Nhà nước xác lập quyền sở hữu công nghiệp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh mang tính chuyên nghiệp có trọng điểm. Mặt khác, nhằm định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm đặc sản mang tính đặc thù, tiềm năng của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các ngành có liên quan, các địa phương điều tra khảo sát, đánh giá tính khả thi trong việc xây dựng nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo tập huấn, tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ và phát triển thị trường sản xuất, kinh doanh thông qua việc hỗ trợ nghiên cứu xây dựng, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa đã được bảo hộ.
Với mục tiêu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 152 ngày 20/1/2017. Theo đó, danh mục các sản phẩm xây dựng thương hiệu năm 2017 gồm: 2 sản phẩm cây công nghiệp, 2 sản phẩm cây ăn quả, 2 sản phẩm thủy sản, 1 sản phẩm gạo và 1 sản phẩm rau củ quả. Để thực hiện được việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh cần thực hiện điều tra, khảo sát các sản phẩm xây dựng thương hiệu, xác định hình thức xây dựng bao gồm: Quy mô sản xuất, sản lượng, diện tích thu hoạch, quy trình sản xuất; tổ chức xây dựng và hình thành các doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm xây dựng thương hiệu; duy trì và phát triển thương hiệu các sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu.
Mới đây, tại Hội trà Mộc Châu lần thứ 2 năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ đã công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Chè Shan tuyết Mộc Châu, đây là điều kiện thuận lợi để người trồng chè và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè Shan tuyết Mộc Châu phát triển thương hiệu, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Đồng chí Đỗ Như Vưu, Chủ tịch Hội Sản xuất, chế biến và kinh doanh chè huyện Mộc Châu thông tin: Chè Shan tuyết Mộc Châu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Khu vực địa lý được bảo hộ bao gồm 7 xã của huyện Mộc Châu và 6 xã của huyện Vân Hồ. Sau khi Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền về chỉ dẫn địa lý, giá thu mua chè búp tươi tăng 15-20%; giá bán các sản phẩm chè Mộc Châu có bao bì mang chỉ dẫn địa lý Mộc Châu tại thị trường trong nước cao hơn từ 1,3-1,5 lần so với trước.
Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức chính sách pháp luật về SHTT nhằm nâng cao kiến thức quản lý Nhà nước về SHTT, thực thi quyền SHTT, bảo vệ và phát triển thương hiệu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, đăng ký sáng kiến, sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa. Nâng cao chất lượng tư vấn, hướng dẫn xác lập quyền cho các tổ chức, cá nhân; đề xuất, tổ chức thực hiện các dự án tham gia Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ; xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; hoàn thành việc xây dựng chỉ dẫn địa lý và đăng ký thương hiệu cho các cây trồng, vật nuôi và sản phẩm nông sản hàng hóa là thế mạnh, lợi thế của tỉnh; tổ chức thực hiện, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản của tỉnh dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Phấn đấu đến năm 2020, mỗi huyện, thành phố có 1 - 2 sản phẩm xây dựng thương hiệu, toàn tỉnh có ít nhất 10 sản phẩm xây dựng thương hiệu mang địa danh của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng được 2 chỉ dẫn địa lý “Sơn La” cho 2 sản phẩm cà phê, cá tầm. Đăng ký bảo hộ 1 - 2 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ra thị trường nước ngoài. Đồng thời, tăng cường quản lý và phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ cho 2 chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ, gồm: Sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu và quả xoài tròn Yên Châu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!