Thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường

Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Chính phủ “Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

    

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra Đề tài trồng thử nghiệm các cây ăn quả.

           

Bám sát kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã tập trung định hướng nghiên cứu về chọn, thử nghiệm các giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, có sức chống chịu tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu.

           

Đến nay, Sơn La có tổng diện tích cây ăn quả gần 80.000 ha; sản lượng đạt 336.330 tấn, cả diện tích và sản lượng tăng gấp hơn 3,3 lần so với năm 2015. Thành quả đó có sự đóng góp của Sở Khoa học và Công nghệ. Những năm qua đơn vị đã thực hiện tuyển chọn, đăng ký chứng nhận cây đầu dòng đối với giống xoài tròn Yên Châu; sản xuất giống bơ, nhãn có năng suất, chất lượng tốt, khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu để mở rộng sản xuất; tuyển chọn đưa vào trồng thử nghiệm các giống táo mới, mận chín sớm phù hợp với điều kiện nóng lên của khí hậu...

           

Điều dễ nhận thấy trong sản xuất, trước đây người sản xuất trong tỉnh tập trung vào chính vụ hay một loại cây trồng, vật nuôi, dẫn đến áp lực rủi ro với hiện tượng thời tiết cực đoan lớn hơn thì nay đã đa dạng hóa cơ cấu và rải vụ đã góp phần giảm thiểu rủi ro do thiên tai, thời tiết gây ra. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã tập trung vào việc triển khai mô hình trồng rau, trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi bò, lợn, phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ; nghiên cứu chế biến lõi ngô, bã mía và vỏ chanh leo làm thức ăn cho bò sữa, tận dụng phụ phẩm để làm kinh tế, đồng thời giảm thải ô nhiễm ra môi trường.

           

Trước tình trạng nguồn nước dần khan hiếm, nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiết kiệm nước, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ đời sống người dân cũng như sản xuất được quan tâm triển khai. Điển hình là Đề tài đánh giá hiệu quả làm cơ sở cho mở diện mô hình tưới nhỏ giọt bằng công nghệ của Israel vào thâm canh cà phê và nhân rộng sang các cây trồng khác. Dự án “Thử nghiệm ứng dụng băng thu nước ngầm để thu nước trong vùng đất ẩm ướt tạo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các vùng khan hiếm nước thuộc các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La”, đã góp phần giải bài toán thiếu nước sinh hoạt cho người dân.

           

Ông Khúc Ngọc Hoan, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ, thông tin: Thời gian tới, Sở tiếp tục định hướng nghiên cứu, tham mưu trình UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, trọng tâm tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, tuyển chọn, khảo nghiệm các giống có chất lượng cao, có khả năng thích nghi với điều kiện từng khu vực.

           

Bên cạnh đó, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến trong thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi từ khi nuôi, trồng cho đến khi thu hoạch sản phẩm, phân loại, bảo quản, chế biến, đóng gói; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, phát triển xanh, nhanh và bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới