Sơn La có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển lúa gạo đặc sản hàng hóa nhưng chưa tạo được thương hiệu gạo chất lượng, uy tín. Với mục tiêu nghiên cứu các vùng có đủ điều kiện về đất đai, khí hậu, kỹ thuật canh tác và thị trường tiêu thụ, từ đó đề xuất quy hoạch vùng, cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp để phát triển sản xuất lúa gạo đặc sản tại các địa phương trong tỉnh, Đề tài “Nghiên cứu đánh giá vùng có điều kiện phát triển lúa gạo đặc sản hàng hóa tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La” do Trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Tây Bắc) chủ trì, TS. Nguyễn Văn Khoa làm chủ nhiệm được triển khai thực hiện từ năm 2015.
Hội thảo giới thiệu mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa chất lượng cao tại huyện Phù Yên.
Nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu, đánh giá thực trạng sản xuất lúa gạo chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đưa ra nhận định, tại một số địa phương đã có những biện pháp thúc đẩy phát triển các giống lúa chất lượng cao. Điển hình như huyện Phù Yên, hiện nay diện tích trồng các giống lúa chất lượng cao chiếm 95% diện tích lúa vụ xuân và 65% ở vụ mùa. Tuy nhiên, cơ cấu các giống lúa chất lượng cao lại chưa đa dạng, chủ yếu chỉ có giống BC15, nếu chỉ trồng một giống lúa như vậy thì nguy cơ nhiễm dịch bệnh là rất cao. Bên cạnh huyện Phù Yên, một số huyện khác của tỉnh cũng đã từng bước phát triển các giống lúa gạo đặc sản, chất lượng cao, như huyện Mai Sơn với diện tích 165 ha trồng lúa nếp tan với các loại chính là: tan nhe, tan tấc và tan ngân, đây là các giống lúa nếp có chất lượng gạo ngon, dẻo, thơm. Còn tại huyện Sốp Cộp diện tích lúa nếp tan cũng chiếm 30-40% tổng diện tích lúa vụ mùa, ước tính có khoảng trên 300 ha lúa nếp tan tập trung chủ yếu tại 3 xã Mường Và, Nậm Lạnh và Mường Lạn. Ngoài ra, còn có một số huyện đang phát triển các giống lúa gạo đặc sản như: Mường La, Thuận Châu, Sông Mã...
Thạc sỹ Nguyễn Văn Khoa, chủ nhiệm Đề tài cho biết: Trong năm 2016, nhóm thực hiện Đề tài phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Phù Yên lựa chọn 2 giống lúa ĐS1 và LT2 để xây dựng mô hình thử nghiệm với 0,5 ha tại bản Chiềng Hạ 1, xã Quang Huy. Qua theo dõi, giống lúa ĐS1 và LT2 có thời gian sinh trưởng bằng các giống lúa đại trà (BC15), phù hợp với điều kiện khí hậu đồng đất của Phù Yên và trồng được cả 2 vụ là vụ đông xuân và vụ mùa, năng suất ước đạt 6,58 tấn/ha đối với giống ĐS1 và 6,57 tấn/ha đối với giống LT2, chất lượng gạo thơm ngon, hạt đều, đẹp, được thị trường ưa chuộng.
Để người dân nắm được kỹ thuật chăm sóc các giống lúa cũng như hiệu quả của việc trồng các giống lúa đặc sản, nhóm thực hiện Đề tài đã phối hợp với các trạm khuyến nông tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu về những đặc tính, ưu điểm của các giống lúa có thể phát triển thành các giống lúa gạo đặc sản hàng hóa, hiệu quả kinh tế khi đưa giống lúa đặc sản vào sản xuất; hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật thâm canh để người dân nắm vững kỹ thuật trước khi bước vào sản xuất.
Chị Hà Thị Hưng, bản Chiềng Hạ 1, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, là một trong những hộ đầu tiên tham gia vào mô hình sản xuất thử nghiệm chia sẻ: gia đình tôi trồng thử nghiệm giống lúa ĐS1 trên diện tích 2.500 m2, sau thời gian trồng và thâm canh theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và nhóm thực hiện Đề tài, giống lúa phát triển tốt, lượng sâu bệnh ít hơn so với các giống lúa trước kia gia đình trồng, năng suất, giá bán cũng cao hơn trước. Gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích trồng giống lúa ĐS1 vào các năm tiếp theo.
Qua 2 năm thực hiện, nhóm Đề tài đã tiến hành khảo sát, đánh giá về điều kiện tự nhiên, nhu cầu thị trường tại 6 huyện có diện tích trồng lúa lớn và có lợi thế về sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao. Trên cơ sở đó, xây dựng mô hình trồng các giống lúa đặc sản tại 3 huyện: Giống ĐS1, LT2 tại xã Quang Huy, huyện Phù Yên; giống nếp tan Mường Chanh tại xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn; giống nếp tan hin, tan nhe, tan pụa tại xã Mường Và, huyện Sốp Cộp theo quy trình kỹ thuật. Kết quả, các mô hình trồng thử nghiệm đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao; điều kiện tự nhiên ở hầu hết 6 huyện khảo sát gồm: Thuận Châu, Mai Sơn, Phù Yên, Mường La, Sông Mã, Sốp Cộp đều có thể sản xuất được lúa gạo đặc sản.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ tạo cơ sở khoa học quan trọng về lý luận và thực tiễn cho công tác quy hoạch các vùng sản xuất lúa gạo đặc sản hàng hóa. Các địa phương, các doanh nghiệp sẽ dựa trên những kết quả nghiên cứu của Đề tài để đưa ra những định hướng để phát triển lúa gạo đặc sản của vùng miền. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Đề tài, các cán bộ nghiên cứu được thực hành trực tiếp, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu cho các giảng viên, từ đó bổ sung thêm tài liệu để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!