Là địa phương có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, có nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn, nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau để Mộc Châu đa rạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các loại quả ôn đới, rau hoa chất lượng cao.
Ngày hội Hái quả năm 2016 được tổ chức
tại bản Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu thu hút đông đảo du khách gần xa.
Để tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, huyện Mộc Châu tích cực triển khai thực hiện xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm rau an toàn và chè Olong. Đến nay, nhãn hiệu chứng nhận “Rau an toàn Mộc Châu” và “Chè Olong Mộc Châu” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu năm 2016. Với mục tiêu phát triển các nhãn hiệu chứng nhận đã được cấp, huyện Mộc Châu đã tổ chức xét chọn và cấp 11.412 tem nhãn hiệu chứng nhận “Rau an toàn Mộc Châu” cho HTX Rau an toàn Tự Nhiên; HTX rau an toàn Ta Niết, cấp 20.000 tem nhãn hiệu chứng nhận “Chè Olong Mộc Châu” cho Doanh nghiệp tư nhân Mộc Sương và Công ty Cổ phần chè Cờ Đỏ. Việc được cấp nhãn hiệu chứng nhận là điều kiện thuận lợi để giới thiệu sản phẩm rau an toàn và chè Olong ra thị trường. Bên cạnh đó, chè Shan tuyết Mộc Châu được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ và cấp Văn bằng bảo hộ quyền về “Chỉ dẫn địa lý Mộc Châu”, sau khi Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ độc quyền về chỉ dẫn địa lý, giá thu mua chè búp tươi tăng 15-20%; giá bán các sản phẩm chè Mộc Châu có bao bì mang chỉ dẫn địa lý Mộc Châu tại thị trường trong nước cao hơn từ 1,3-1,5 lần so với trước.
Cùng với việc đẩy mạnh đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, huyện Mộc Châu tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực của huyện với mục tiêu từng bước đưa nông sản lợi thế của huyện vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị trong nước và tiến tới xuất khẩu; hỗ trợ HTX, tổ hợp tác tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại Mộc Châu và thành phố Hà Nội, như: Hội Trà Cao nguyên năm 2016 để giới thiệu các sản phẩm chè đặc sản của huyện, tổ chức Ngày hội Hái quả, Hội thi Hoa hậu bò sữa... tham gia các Hội chợ được tổ chức tại Hà Nội, như: Tuần lễ giới thiệu nông sản an toàn, phiên chợ an toàn, Hội chợ Agro Việt 2016...
Để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, huyện Mộc Châu tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ, hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng cường việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản các loại rau, quả. Quản lý tốt các thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận đã được công nhận; xây dựng hồ sơ trình Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm quả “Bơ Mộc Châu”; tiếp tục triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt đối với các cây trồng chủ lực của huyện, tạo vùng nguyên liệu tập trung, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng; tập trung chỉ đạo phát triển cây chè, chanh leo, rau, hoa trái vụ...
Với sự quan tâm, đầu tư của huyện cùng với sự cố gắng của người dân, tin rằng, trong thời gian tới, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện tiếp tục khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!