Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn.

Mô hình trồng cà chua ghép của Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu (Doanh nghiệp KH&CN).

Việc đề ra các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ sẽ bảo đảm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 tỉnh ta hình thành và phát triển được 20 doanh nghiệp KH&CN, góp phần cùng cả nước cán mốc 5 nghìn doanh nghiệp KH&CN.

Theo thống kê, đến hết năm 2015, tỉnh ta có 5 doanh nghiệp KH&CN chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và được hình thành từ  các doanh nghiệp đã có sẵn, chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN. Nếu so với con số gần 1.700 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn rất hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh đều tự nghiên cứu bằng nguồn vốn của mình hoặc nhận chuyển giao từ các tổ chức, cá nhân khác, sau đó ươm tạo, làm chủ công nghệ và tự sản xuất dựa trên cơ sở công nghệ đã ươm tạo, nên năng suất, chất lượng các sản phẩm chưa cao, giá trị các sản phẩm còn thấp. Mặt khác, với đặc thù là tỉnh miền núi nên trình độ về khoa học và công nghệ còn lạc hậu so với mặt bằng chung của cả nước; khả năng nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, đời sống còn nhiều hạn chế; thiếu đội ngũ cán bộ khoa học chuyên sâu có trình độ cao làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật; công tác quản lý về khoa học và công nghệ chưa đổi mới; cơ chế chính sách đầu tư, thuế, tín dụng chưa thực sự được quan tâm; đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế; việc huy động các nguồn lực xã hội vào lĩnh vực khoa học và công nghệ nông nghiệp, nông thôn chưa được quan tâm, chú trọng.

Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung là doanh nghiệp khoa học và công nghệ đầu tiên của tỉnh Sơn La với các sản phẩm chính là ngô giống, các sản phẩm này được hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ với quy mô sản xuất lớn nhất vùng Tây Bắc. Hiện, sản phẩm ngô giống của Công ty không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Đến nay, Công ty đã xuất khẩu 784 tấn ngô giống sang các tỉnh Bắc Lào, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên giá thành ngô giống của Công ty bán ra thấp hơn thị trường.

Công ty cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu có trụ sở tại thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu). Nhờ việc đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, nghiên cứu đưa vào áp dụng quy trình chế biến đạt tiêu chuẩn nên các sản phẩm của Công ty đã khẳng định được thương hiệu và được người tiêu dùng lựa chọn. Công ty đã đạt được rất nhiều giải thưởng như: Quả cầu Bạc, Giải thưởng chất lượng cao Việt Nam 2011, Sao Vàng đất Việt năm 2013... Ngoài ra, tỉnh ta còn có một số doanh nghiệp KH&CN tiêu biểu như: Công ty cổ phần Cao nguyên Mộc Châu, Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu, Công ty THHH Hoa Mộc Châu.

Tỉnh ta có nhiều doanh nghiệp hội tụ đủ yếu tố để trở thành doanh nghiệp KH&CN, nhưng số lượng doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KH&CN còn hạn chế. Sở Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Đề án “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020”, khi đề án được phê duyệt và triển khai, sẽ góp phần phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm thương mại hóa trên thị trường, nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm.

Tin rằng, với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, lĩnh vực phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ sẽ đạt được mục tiêu hình thành và phát triển được 20 doanh nghiệp KH&CN vào năm 2020, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


 

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới