Bằng niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật, ông Sùng A Sơn, dân tộc Mông, ở tổ 8, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La hiện là người duy nhất của tỉnh Sơn La có Bằng bảo hộ sáng chế.
Ông Sùng A Sơn vận hành thử sáng chế "Chèo phát điện sóng biển".
Tìm gặp ông Sùng A Sơn, ông đang cặm cụi, chế tạo các sản phẩm mới. Dừng tay, mời khách vào nhà, ông chia sẻ: Trước đây, tôi có thời gian dài công tác tại Ban Tổ chức, Ban Kinh tế và Văn phòng Tỉnh ủy. Song, với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, năm 2009, tôi xin nghỉ để tập trung theo đuổi đam mê nghiên cứu, sáng tạo của mình. Đó là thời gian hết sức khó khăn, vì người thân và bạn bè, đồng nghiệp ra sức can ngăn, nhưng tôi vẫn muốn dành toàn tâm, toàn ý cho việc nghiên cứu.
Hiện nay, ông Sùng A Sơn đang là chủ nhân của rất nhiều sáng chế, trong đó phải kể đến sáng chế “Tàu thủy hai đáy” đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế vào năm 2016 và có thời hạn 20 năm. Ông giới thiệu về sáng chế: “Tàu thủy hai đáy” gồm có hai đáy, trong đó đáy trên là đáy kín nước và đáy dưới được tạo kết cấu để kết hợp với đáy trên tạo ra đáy rỗng. Phần rỗng có dạng hình hộp chữ nhật được bố trí dọc theo chiều dài đáy tàu và kéo dài từ phía mũi về phía đuôi. Phần rỗng này, có đầu hở phía mũi và đầu hở phía đuôi, đầu hở phía mũi được tạo kết cấu để tạo ra cửa vào nước bên trái và cửa vào nước bên phải, đầu hở phía đuôi được tạo kết cấu để tạo ra cửa thoát nước phía đuôi. Một cánh điều chỉnh nước được bố trí ở đầu hở phía mũi và được tạo kết cấu để có thể điều chỉnh đồng thời mức độ mở của cửa vào nước bên trái và cửa vào nước bên phải; chân vịt tàu được bố trí ở phía sau đầu hở phía đuôi để hầu như hút nước vào chân vịt thông qua phần rỗng của đáy tàu, giúp tàu đổi hướng nhanh chóng và linh hoạt, tránh những tình huống va chạm, đảm bảo an toàn hàng hải. Ông Sơn hóm hỉnh nói: Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng tôi phải mất 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm và mất thêm 4 năm nữa để được cấp Bằng độc quyền sáng chế.
Bằng độc quyên sáng chế của ông Sùng A Sơn.
Hiện nay, ông Sơn còn có 3 sáng chế đã nộp đơn xin cấp bằng và được Cục sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn. Trong đó, có 2 sáng chế là “Giàn thu năng lượng sóng biển” và “Công nghệ chuyển hóa năng lượng từ cây cỏ thành năng lượng hidro để sản xuất methanol và diezen B100” đã được Cục sở hữu trí tuệ công bố đơn vào năm 2018, trong vòng 4 năm kể từ ngày công bố, nếu không có tranh chấp, khiếu nại, ông sẽ tiếp tục được cấp bằng độc quyền sáng chế.
Ông Sơn, cho biết: Riêng với sáng chế “Công nghệ chuyển hóa năng lượng từ cây cỏ thành năng lượng hidro để sản xuất methanol và diezen B100”, tôi đã liên hệ với Tập đoàn dầu khí Petrolimex đề xuất ứng dụng thử nghiệm và được bên Tập đoàn đồng ý, đang chờ ngày triển khai. Hiện, tôi đang tiếp tục nghiên cứu, sản xuất thiết bị có thể tận dụng năng lượng từ sóng biển để có thể phát điện.
Thăm “xưởng” sản xuất còn ngổn ngang các loại máy cắt, máy hàn. Khệ nệ bê chiếc máy đươc ông đặt tên là “Chèo phát điện sóng biển” lên bàn, nhanh tay đấu từng sợi dây điện vào chiếc bóng đèn. Chỉ một cái xoay nhẹ, chiếc bóng đèn phát sáng. Đây là thiết bị gồm các tấm chắn sóng đối xứng có thể quay tròn qua một trục nằm ở tâm. Nguyên lý hoạt động và cấu tạo của chiếc máy vẫn đang được giữ bí mật.
Nói về dự định trong thời gian tới, ông Sơn chia sẻ: Có nhiều sáng chế tôi đang nghiên cứu và cố gắng hiện thực hóa được nó. Tôi cũng luôn sẵn sàng hợp tác, chuyển giao công nghệ của mình, tạo ra những sản phẩm hữu ích, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!