Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực đổi mới, triển khai đồng bộ, sáng tạo các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ sâu rộng trong tất cả các ngành, lĩnh vực trong sản xuất, đời sống, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của hoạt động khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sở KH và CN ký kết bàn giao kết quả các nhiệm vụ KH&CN để triển khai ứng dụng vào thực tiễn.
Bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có nhiều đóng góp vào lĩnh vực nghiên cứu, triển khai, ứng dụng đưa các tiến bộ KH&CN vào phục vụ sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh có 93 nhiệm vụ KH&CN được triển khai, trong đó 86 nhiệm vụ cấp tỉnh, 7 nhiệm vụ cấp quốc gia. Tính đến tháng 12/2020, số lượng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được nghiệm thu tổng kết là 69 nhiệm vụ; đã bàn giao 53 nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, trường đại học, cao đẳng triển khai ứng dụng nhân rộng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Qua đánh giá, nhiều đề tài dự án được duy trì, nhân rộng mang lại hiệu quả rõ rệt, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp đã phục vụ đắc lực chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, như: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, thay đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhiều sản phẩm được xây dựng thương hiệu khẳng định nông sản Sơn La trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Các đề tài, dự án hiệu quả, như: Mô hình trồng chuối nguyên liệu chất lượng cao ở Công ty cổ phần rượu Việt Pháp (Yên Châu), đã hình thành vùng trồng chuối nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến, hằng năm công ty đã tiêu thụ trên 500 tấn chuối quả để sản xuất chuối khô, rượu chuối; Dự án “Xây dựng mô hình trồng thâm canh thanh long ruột đỏ tại tỉnh Sơn La” được triển khai trên địa bàn huyện Mai Sơn đã mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ, thành lập hợp tác xã sản xuất thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, đã lựa chọn và đăng ký chứng nhận cây thanh long đầu dòng, là nguồn cung cấp giống để mở rộng diện tích ra các huyện: Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu, Sông Mã và Mường La. Sản phẩm thanh long ruột đỏ không chỉ tiêu thụ trong tỉnh và các siêu thị Hà Nội, mà được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, UAE, liên bang Nga và đang được chào hàng sang một số nước khác...
Các quy trình công nghệ là kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án tiếp tục được nhân rộng trong sản xuất, như: Công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, từ việc ứng dụng tưới trên cà phê đến nay đã mở rộng tưới cho cây chè, rau, cây ăn quả; công nghệ ghép chuyển đổi giống có năng suất chất lượng được ứng dụng rộng rãi đặc biệt trong việc mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây ăn quả nhãn, xoài, bơ, thanh long. Quy trình phục tráng các giống đặc sản được ứng dụng để bảo vệ và phát triển nguồn gen cây trồng quý của tỉnh, như các giống lúa: Nếp tan Mường Và, nếp tan Ngọc Chiến, tẻ Dao và giống xoài Yên Châu, giống khoai sọ mán. Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng chủ lực được ứng dụng trong sản xuất góp phần ổn định năng suất, chất lượng sản phẩm như phòng trừ hiện tượng chùn ngọn cà phê, sâu đục quả xoài...
Về lĩnh vực chăn nuôi, tiêu biểu có đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, phát triển giống gà đen H’mông tại tỉnh Sơn La”; mô hình nhân nuôi ong mật (Apis cerana) đã góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với vườn rừng và bảo tồn đa dạng sinh học ở huyện Sốp Cộp.
Kết quả nghiên cứu ở lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ có các nhiệm vụ tiêu biểu được ứng dụng đối với việc chế biến, bảo quản nông sản, như: Dự án xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm từ quả sơn tra tại huyện Bắc Yên và mô hình bảo quản, chế biến và tiêu thụ quả sơn tra; “Nghiên cứu lắng lọc hạ thủy phần mật ong góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong”. Ngoài ra, các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn, y tế, giáo dục đã góp phần vào việc ban hành chính sách, hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo tồn phát huy bản sắc các dân tộc phục vụ phát triển du lịch, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, định hướng lao động việc làm.
Phát huy kết quả đã đạt được, Sở KH&CN tiếp tục tham mưu với tỉnh đẩy mạnh các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN. Trong đó, tập trung nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn, nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số, để chọn tạo ra giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản mới có năng suất chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm sản an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Lưu Bình Khiêm
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!