Sơn La có địa hình, địa chất phức tạp, nhiều khu vực núi cao chia cắt, hệ thống sông, suối có độ dốc lớn, khi xảy ra mưa lớn thường tạo dòng chảy siết, đột ngột, tình hình diễn biến thời tiết, mưa lũ ngày càng cực đoan, phức tạp.
Khu vực cầu Pá Uôn (Quỳnh Nhai) - nơi nhóm thực hiện đề tài khảo sát địa chất.
Với mục tiêu nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu các nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, năm 2017, Viện Địa chất và Môi trường triển khai Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh Sơn La” do Tiến sĩ Đào Văn Thịnh làm chủ nhiệm.
Trong 2 năm (2017-2018), Tiến sĩ Đào Văn Thịnh cùng nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 5 khu vực đã xảy ra và có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét cao, gồm: Phía Bắc cầu Pá Uôn (Quỳnh Nhai); xã Pi Toong, thị trấn Ít Ong (Mường La); xã Chiềng Pấc, xã Bon Phặng (Thuận Châu); xã Chiềng Đông, khu vực suối Nậm Sập thuộc xã Tú Nang (Yên Châu) với tổng số 38 điểm có xảy ra sạt lở đất, 15 điểm xảy ra lũ ống, lũ quét để tiến hành khảo sát địa chất, giải đoán hình ảnh viễn thám. Qua khảo sát thực tế và phân tích cho thấy, hiện tượng sạt lở đất thường xảy ra mạnh ở các khu vực núi có độ cao, dao động từ 400 m đến 1.000 m, địa hình bị phân cách lớn hay ở những khu vực có thảm thực vật thưa hoặc không có thảm thực vật và thường xảy ra tại các vùng địa chất có độ gắn kết yếu và các vùng khai thác rừng, chặt rừng làm nương rẫy...
Đối với lũ quét, đây là dạng thiên tai nguy hiểm, xảy ra ở những lưu vực sông, suối miền núi, nơi địa hình chia cắt, độ dốc lưu vực và độ dốc sông suối lớn, độ ổn định của lớp mặt lưu vực yếu do quá trình phong hóa mạnh, mưa với cường độ mạnh, thời gian kéo dài. Tại 5 khu vực nhóm thực hiện đề tài lựa chọn khảo sát cho thấy, có nhiều vị trí tồn tại vỏ phong hóa dày trên 3 m, có vị trí dày trên 10 m, lớp thổ nhưỡng ở bên trên dày từ 5 - 35 cm, vào mùa mưa luôn bị bão hòa nước, không có khả năng thấm nước, dễ mềm, bở khi có mưa. Bên cạnh đó, độ dốc sườn địa hình các lưu vực suối dao động từ 100 - 750 m, nhiều vị trí dốc trên 800 m, độ cao địa hình dao động từ 200 - 900 m; khu vực Pi Toong - Ít Ong của huyện Mường La, khu vực xã Chiềng Đông của huyện Yên Châu có những điểm co thắt tự nhiên và nhân tạo làm tắc nghẽn dòng chảy... Đây là những nguyên nhân hình thành lũ ống, lũ quét xảy ra rất cao, nhất là vào mùa mưa, gây hậu quả nặng nề về người, tài sản hoa màu của nhân dân.
Để hạn chế các tác động tiêu cực của sạt lở đất, lũ quét đối với các khu vực tập trung dân cư, nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra một số giải pháp, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến, thông báo, cảnh báo để người dân biết các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét cao, từ đó chủ động đề phòng, ứng phó khi sạt lở đất và lũ quét xảy ra; quy hoạch phát triển các khu dân cư tránh các vùng có nguy cơ cao; gia cố bằng cách xây kè kiên cố tại các đoạn sườn địa hình xung yếu, dọc các tà luy âm và dương của các tuyến đường giao thông; bên cạnh đó cần phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo lớp phủ vững chắc để giữ nước, giảm nguy cơ sạt lở đất và hình thành lũ quét. Tiến sỹ Đào Văn Thịnh, Chủ nhiệm đề tài, thông tin: Bên cạnh đề xuất các giải pháp, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bản đồ thực trạng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét với tỉ lệ 1:25.000 cho 5 khu vực trên địa bàn tỉnh đã xảy ra và có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét cao mà nhóm nghiên cứu đã khảo sát và bản đồ thực trạng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tỉnh Sơn La tỷ lệ 1:100.000 phục vụ cho công tác cảnh báo và phòng chống thiên tai của tỉnh.
Những kết quả nghiên cứu, thông tin và các giải pháp xử lý, cảnh báo của nhóm thực hiện đề tài đưa ra đã giúp chính quyền và nhân dân tại các điểm dân cư có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét... có các biện pháp phòng tránh kịp thời, góp phần phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!