Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh xác định là một trong những trọng trách quan trọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.
Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là hoạt động mang tính xã hội, độc lập, khách quan, do trí thức đóng góp trí tuệ, cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở đánh giá, phân tích và quyết định các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn có liên quan về khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo và chính sách xây dựng đội ngũ trí thức.
Liên hiệp Hội với vai trò đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, những chuyên gia đầu ngành tham gia vào “Ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức”, từ năm 2019 đến nay, Liên hiệp Hội đã triển khai thực hiện nghiên cứu, đề xuất, tổ chức tư vấn, phản biện được 32 vấn đề với tỉnh và các sở, ngành bằng nhiều hình thức, như: Hội thảo khoa học, hội nghị tư vấn, viết bài nghiên cứu trao đổi gửi tới các cơ quan dự thảo các văn bản cần tư vấn, phản biện. Trong đó, có 11 vấn đề nổi bật, góp ý vào dự thảo văn kiện phục vụ 3 kỳ Đại hội lần thứ XIII, XIV, XV Đảng bộ tỉnh; Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 27-KH/TU ngày 17/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị. Tổ chức tư vấn, phản biện nhiều dự thảo văn bản do các ngành chuẩn bị trình UBND tỉnh: Dự thảo sửa đổi bổ sung Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La đến năm 2020; Dự thảo Đề án Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020...
Bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, cho biết: Liên hiệp Hội đã tích cực tham gia và thể hiện được chức năng tư vấn và phản biện trong các Hội đồng xét duyệt, nghiệm thu đề tài, dự án nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì; tham gia Hội đồng thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh, cũng như đóng góp ý kiến tại một số hội nghị, hội thảo về kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh. Các nội dung phản biện và các ý kiến đề xuất của Liên hiệp Hội có luận cứ chặt chẽ, được các cấp, các ngành hữu quan đánh giá cao. Hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội ngày càng trở thành hoạt động quan trọng hàng đầu của Liên hiệp Hội.
Là thành viên của Liên hiệp Hội, Hội Luật gia tỉnh đã tập hợp, phát huy vai trò hội viên trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý; tham gia phản biện và giám sát xã hội; tham gia giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước. Ông Trần Mạnh Đức, Thư ký Hội Luật gia tỉnh, cho biết: Năm 2021, các cấp Hội tham gia 206 dự thảo Luật, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương. Để hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có hiệu quả, bảo đảm sự tin cậy của xã hội, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, tăng cường xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và thực hiện hoạt động này. Đồng thời, tập huấn nghiệp vụ nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội và các hội thành viên để ngày càng trở nên chuyên nghiệp, hiệu quả thiết thực hơn.
Để hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội ngày càng chất lượng, Liên hiệp Hội và các hội thành viên đang quan tâm, chú trọng thực hiện các nội dung xây dựng ngân hàng chuyên gia phục vụ hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội trên các lĩnh vực ở tỉnh; tổ chức mời chuyên gia của Liên hiệp Hội Việt Nam tập huấn về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội cho Liên hiệp Hội và các hội thành viên...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!