Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - động lực cho sự phát triển

Sơn La là địa phương có nền văn hóa, lịch sử đa dạng, đặc sắc, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, dồi dào và có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, du lịch… Đây chính là lợi thế hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Giọng nữ

Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp

Hội thảo khoa học “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo-cơ hội, thách thức và giải pháp thực hiện tại Sơn La”.

Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, sự hợp tác “3 nhà” (Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp) thực sự hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển.

Triển khai Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 9/10/2017, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh giai đoạn 2017-2025”, đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong doanh nghiệp trẻ và thanh niên trong tỉnh.

Qua 5 năm triển khai, Sơn La tạo lập được nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững, từng bước phát triển ở cấp độ 2 (hệ sinh thái cơ bản) và hình thành đầy đủ các thành phần của hệ sinh thái. Trong đó, tỉnh đã thành lập hai Trung tâm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Trường đại học Tây Bắc.

Hiện tại, 2 trung tâm phát huy vai trò trong hệ sinh thái, nhất là trong việc tìm kiếm, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ngay từ giai đoạn đầu hình thành, kết nối các nhà sáng lập với chuyên gia trong mạng lưới chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, xây dựng văn hóa khởi nghiệp, đào tạo chuyên sâu các kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đại diện Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia khảo sát ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm đông trùng hạ thảo của sinh viên Trường đại học Tây Bắc. 

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, như: Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh”; thành lập Ban điều hành mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp tỉnh Sơn La (http://khoinghiep.sonla.gov.vn). Công tác thông tin, truyền thông, phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tăng cường triển khai.

Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chia sẻ: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những động lực, “chìa khóa” thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, chuỗi sự kiện Ngày hội “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La lần thứ nhất” (Techfest Sơn La) tổ chức năm 2022 đã ghi dấu ấn sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh. Qua đó, tạo động lực, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp; kết nối, thu hút nguồn lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương; tạo cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các start-up với các chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia.

Mô hình trồng lan Hồ Điệp tại Khu nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ về nông, lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu.

Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Sơn La quan tâm phát triển cơ sở vật chất phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông, lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu và bàn giao cho Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học và Công nghệ quản lý.

Bà Trần Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, cho biết: Trung tâm đang triển khai hiệu quả các mô hình trồng lan Hồ Điệp công nghệ cao, nho đen không hạt, nho mẫu đơn, dưa lê vàng lai, ớt chuông trong nhà màng; nhân giống lan Kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô; trồng cúc hoa vàng làm dược liệu, cây xương sáo làm thạch đen...; nhiều sản phẩm cho thu hoạch và tiêu thụ ra ngoài thị trường. Các mô hình trở thành nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Thông qua hệ sinh thái khởi nghiệp đã thúc đẩy các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tăng trưởng tại địa phương.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng những nét văn hóa đặc trưng, nhiều chủ thể đã hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp từ nông sản chủ lực, tiềm năng du lịch của địa phương với những cách làm mới, quảng bá, tăng giá trị sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cá nhân, cộng đồng.

Đóng gói sản phẩm hoa đu đủ sấy tại HTX Tuổi trẻ 26/3, huyện Yên Châu.

Dự án "Trồng và chế biến các sản phẩm từ hoa đu đủ” của HTX Tuổi trẻ 26/3, huyện Yên Châu, được Hội đồng, Ban giám khảo cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2022” trao giải nhất.

Sau 2 năm, HTX phát triển đa dạng các sản phẩm, nhiều sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, như: Trà hoa đu đủ đực, hoa đu đủ sấy, tỏi đen, trồng và chế biến các sản phẩm từ cây sâm Ấn Độ... Hiện tại, các sản phẩm của HTX mở rộng thị trường tiêu thụ qua các hệ thống điểm phân phối tại các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giao dịch trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada và mạng xã hội: Zalo, Tik Tok…

Anh Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc HTX Tuổi trẻ 26/3, chia sẻ: Trước đây, người dân chỉ sử dụng hoa đu đủ tươi làm các món ăn hoặc phơi khô pha nước uống, chưa có giá trị kinh tế cao. Qua nghiên cứu về những tác dụng của hoa đu đủ, HTX phát triển vùng nguyên liệu lên hơn 5 ha, mỗi tháng, HTX chế biến 5 tạ hoa đu đủ tươi. Khi được các ngành chức năng địa phương "tiếp sức", xây dựng thành sản phẩm OCOP, các sản phẩm từ hoa đu đủ của HTX được thị trường tiếp nhận với giá tương đối cao, được người tiêu dùng tin tưởng.

Tìm hướng đi mới, cách làm khác biệt để đánh thức những tiềm năng văn hóa du lịch cộng đồng, anh Lường Văn Xiên, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, đã hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp của mình bằng Dự án "Phát triển hệ sinh thái du lịch Ngọc Chiến gắn với nông nghiệp an toàn". Tháng 7/2020, anh Xiên cùng thanh niên địa phương liên kết thành lập HTX Du lịch cộng đồng Ngọc Chiến. Gần 4 năm hoạt động, dự án đã khai thác tiềm năng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; đồng thời, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp của bà con địa phương, giúp du khách có những trải nghiệm, khám phá, hưởng thụ các sản phẩm du lịch độc đáo, an toàn.

Anh Xiên chia sẻ: Ý tưởng khởi nghiệp từ du lịch của tôi hình thành khi nhận thấy nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Ngọc Chiến, với hàng ngàn ha rừng cây sơn tra, nguồn suối khoáng nóng dồi dào... Đến nay, hệ sinh thái du lịch đang phát triển, giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên cũng như nhân dân trên địa bàn. Hằng năm, HTX đón hơn 50.000 lượt du khách, tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương. Năm 2022, dự án của tôi tham gia cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên tỉnh năm 2022” được trao giải nhất. Sau đó, nhận được sự ủng hộ, tư vấn của các chuyên gia về các ý tưởng và kết nối, huy động thêm nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch địa phương.

Mô hình khởi nghiệp trồng ớt chuông trong nhà màng tại xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu.

Sơn La là địa phương sớm triển khai chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các ý tưởng, dự án luôn được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện triển khai. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tổ chức 7 diễn đàn, hội nghị cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức 3 cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp” trong thanh niên do Tỉnh đoàn tổ chức; 15 dự án của học sinh THPT tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”, trong đó, 4 dự án được gửi đi dự thi cấp quốc gia; có 2 câu lạc bộ khởi nghiệp đang hoạt động hiệu quả tại Trường đại học Tây Bắc và Trường cao đẳng Sơn La. Các ý tưởng khởi nghiệp đã được các đoàn viên, thanh niên áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, khởi nghiệp là một xu hướng, cũng đầy khó khăn, thách thức, nhưng nếu không dấn thân, thì không thể khởi nghiệp thành công, nhất là đối với thế hệ thanh niên. Đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp, văn hóa đổi mới sáng tạo lan tỏa, sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển mạnh mẽ.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới