Những năm qua, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm, đẩy mạnh. Việc áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường... đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa tẻ Dao
trên nương tại bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai.
Ông Phạm Quang An, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Giai đoạn 2014 - 2016, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo, công tác quản lý KH&CN có nhiều đổi mới và luôn bám sát mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Sở đã tham mưu cho tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về việc xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, hỗ trợ tài sản trí tuệ... Qua đó, đã có 12 quyết định về hoạt động KH&CN được ban hành. Triển khai 50 nhiệm vụ KH&CN, trong đó, 15 nhiệm vụ lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 10 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ và 25 nhiệm vụ nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, y tế, giáo dục, kinh tế. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào ứng dụng KH&CN đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị nông sản; phát triển du lịch bền vững lòng hồ thủy điện Sơn La và Mộc Châu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; phát triển cây ăn quả trên đất dốc theo hướng sản xuất hàng hóa.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều quy trình công nghệ, kỹ thuật tiên tiến được triển khai ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm có giá trị hàng hóa mang tính đặc thù địa phương, từng bước làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, như: Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP; công nghệ ghép cà chua trái vụ và hoa chất lượng cao tại Mộc Châu. Từng bước tạo ra vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đưa thương hiệu rau, hoa Mộc Châu tiêu thụ tại nhiều tỉnh trong nước. Ngoài ra, các nghiên cứu còn tập trung vào phát huy lợi thế từng vùng đẩy mạnh sản xuất, phát triển cây, con có giá trị kinh tế như sản xuất thử nghiệm cá tầm, cá lăng chấm, ba ba gai; nghiên cứu phòng trừ sâu bệnh hại cà phê; đánh giá vùng phát triển cam, quýt; phát triển cây ăn quả như một số giống bơ chất lượng cao, mô hình ghép chuyển đổi giống nhãn; nghiên cứu phát triển sản phẩm đặc sản địa phương như giống lúa nếp tan Ngọc Chiến; giống lúa tẻ Dao...
Cùng với ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, công nghệ chế biến và bảo quản các sản phẩm nông, lâm nghiệp sau thu hoạch được tập trung đầu tư ứng dụng, nâng cao giá trị các sản phẩm nông, lâm nghiệp trên địa bàn, như: mô hình bảo quản, chế biến, tiêu thụ quả sơn tra; công nghệ hạ thủy phần mật ong, đưa sản phẩm mật ong khẳng định thương hiệu đặc sản của tỉnh phục vụ nội tiêu và hướng tới xuất khẩu. Các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xã hội và nhân văn cũng phát huy tốt hiệu quả như: Đề tài giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của của dân tộc Thái; Đề tài địa chí tỉnh Sơn La; Đề tài nghiên cứu thực trạng bệnh tăng huyết áp ở người cao tuổi tại tỉnh Sơn La...
Tìm hiểu được biết thêm, Sở KH&CN đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành 2 quyết định về việc xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Sơn La và xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh Sơn La giai đoạn 2015-2020; tập trung hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ là sản phẩm nông sản, đặc sản gắn với các địa danh của tỉnh. Đến nay, đã có 6 sản phẩm chủ lực của tỉnh được xây dựng thương hiệu, gồm: 2 Chỉ dẫn địa lý; 2 nhãn hiệu chứng nhận và 2 nhãn hiệu tập thể. Đặc biệt, năm 2016, sản phẩm chè Shan Tuyết đã tiến hành các thủ tục đăng kí chỉ dẫn địa lý tại Thái Lan. Các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ đã phát huy danh tiếng, uy tín của sản phẩm, bảo hộ cho những người sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế.
Có thể nói hoạt động KH&CN của tỉnh thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động KH&CN, trong thời gian tới, Sở KH&CN tập trung phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới đầu tư và phát triển khoa học công nghệ, ưu tiên đầu tư lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển thị trường KH&CN gắn với thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ tiếp tục khẳng định vai trò then chốt là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!