Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực tham mưu cho tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Mô hình trồng nấm hương thương phẩm tại khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông, lâm nghiệp Mộc Châu.
Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, các nghiên cứu liên quan đến cây ăn quả được quan tâm triển khai. Điển hình là Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Sông Mã” triển khai từ năm 2012 với 4 ha thí điểm, đến nay đã mở rộng hơn 7 nghìn ha ở các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu và Thành phố, các mô hình trồng nhãn đem lại thu nhập 200-300 triệu đồng/ha/năm. Năm 2017, sản phẩm nhãn của huyện Sông Mã được xây dựng nhãn hiệu chứng nhận và được cấp mã vùng xuất khẩu, những lô nhãn đạt tiêu chuẩn lần đầu được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, EU...
Thành công với Dự án “Xây dựng mô hình trồng thâm canh thanh long ruột đỏ tại tỉnh Sơn La”, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, chia sẻ: Sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX được tiêu thụ tại tỉnh và các siêu thị của Hà Nội từ năm 2018 đến nay và đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, UAE, Nhật Bản, Nga. Hiện tại, chúng tôi đã liên kết với người dân mở rộng vùng trồng tại huyện Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu và Sông Mã, với tổng diện tích trên 200 ha. Năm 2021, tổng sản lượng thanh long ruột đỏ của HTX đạt 2.400 tấn, trong đó, có 40 tấn được xuất khẩu sang thị trường Nga và Trung Quốc.
Việc ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, phát triển nguồn gen quý của các giống cây trồng bản địa trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai, giúp các địa phương có thêm căn cứ khoa học để hình thành, phát triển vùng sản xuất tập trung, cải thiện năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Đề tài “Bảo tồn và phát triển giống xoài tròn ở Yên Châu mang chỉ dẫn địa lý” và Đề tài “Nghiên cứu cải tiến giống xoài tròn Yên Châu theo hướng quả to, hạt nhỏ, giảm tỷ lệ chất xơ” đã xác định 19 cây xoài tròn đầu dòng làm cơ sở cho quá trình nhân giống, ứng dụng kỹ thuật, đốn trẻ hóa, ghép cải tạo các cây xoài cổ, già cỗi; là cơ sở quan trọng trong việc bảo tồn và cải tiến chất lượng giống xoài bản địa quý đặc trưng của Yên Châu theo hướng nâng cao khối lượng quả, tỷ lệ phần ăn được, giảm tỷ lệ chất xơ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cho người trồng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Viện nghiên cứu rau quả, chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu cải tiến giống xoài tròn Yên Châu theo hướng quả to, hạt nhỏ, giảm tỷ lệ chất xơ”, cho biết: Đề tài đã xây dựng quy trình kỹ thuật thu hái, sơ chế, bao bì, đóng gói và bảo quản xoài tròn Yên Châu, áp dụng các biện pháp loại bỏ nhựa dính trên vỏ quả, cải thiện mẫu mã, hạn chế quả thối hỏng. Quả xoài thu hoạch từ cây được tuyển chọn, nhân giống vẫn giữ được nguyên những đặc điểm quý về hình dạng, khối lượng, kích thước và chất lượng quả như cây mẹ ban đầu. Ngoài ra, cây còn có khả năng ra hoa, đậu quả rải vụ, trái vụ, năng suất tăng 36,3%.
Ngoài ra, có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật cao hiệu quả, như: Mô hình sản xuất giống cà chua ghép và mô hình thâm canh cà chua ghép trái vụ tại Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu; trồng chuối nguyên liệu chất lượng cao tại Công ty cổ phần rượu Việt Pháp, huyện Yên Châu... đã tạo ra các sản phẩm đặc trưng của từng vùng, có giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thông tin: Sở đang tiếp tục tham mưu cho tỉnh định hướng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các đề tài, dự án khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được triển khai, sẽ là giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống của nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!