Kết quả bước đầu Dự án năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa

Cuối năm 2011, Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2020” được UBND tỉnh phê duyệt, do Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện.

Cán bộ Dự án tham quan mô hình trồng bơ tại Công ty HTX Nông nghiệp và Dược liệu Mộc Châu xanh.

Đến nay, đã đạt kết quả bước đầu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm một phần kinh phí, tạo nguồn lực đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Để có nguồn nhân lực phục vụ Dự án, Ban điều hành Dự án đã tổ chức 4 lớp đào tạo chuyên gia năng suất, chất lượng cho 26 thành viên Ban điều hành và cán bộ công chức, viên chức của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; đào tạo 35 chuyên gia tư vấn VietGap, là thành viên của Ban điều hành, các ngành và UBND các huyện; đào tạo kỹ thuật canh tác sản xuất bền vững cà phê theo mô hình VietGap cho 3.986 hộ thuộc các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Quỳnh Nhai và Thành phố.

 

 

Đến hết năm 2014, kinh phí được cấp và triển khai thực hiện là 2,3 tỷ đồng. Quá trình triển khai Dự án được các cơ quan, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, số lượng các doanh nghiệp đăng ký tham gia ngày một tăng. Đến nay, đã có 100 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Dự án, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Hỗ trợ công nghệ, xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, ISO 18000..., các công cụ quản lý tiên tiến: 5S, Six Sigma, Kaizen nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa của đơn vị. Các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Dự án đã có những chuyển biến tích cực, các sản phẩm, hàng hóa đảm bảo chất lượng và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, như: Dự án hỗ trợ Công ty TNHH Hải Lâm (Thành phố) đổi mới công nghệ chế biến ngô thương phẩm từ công nghệ sấy ngô theo phương pháp hầm sấy thủ công sang công nghệ sấy bán liên tục kiểu tháp đứng, đã tiết kiệm gần 50% chi phí chế biến sản phẩm. Sản phẩm sau sấy có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của khách hàng (độ ẩm đồng đều, không có mùi lạ, không có tạp chất so với phương pháp sấy thủ công). Hay một số dự án về xây dựng thương hiệu, xây dựng và áp dụng hệ thống VietGap vào sản xuất kinh doanh rau sạch ở Đông Sang (Mộc Châu) cũng cho kết quả tốt, giá trị sản phẩm, hàng hóa tăng từ 1,5 - 2 lần.

 

Xét về tổng thể, Dự án cơ bản gắn với nhiệm vụ chính trị và thực tiễn của địa phương, được ứng dụng hiệu quả, góp phần tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Các hoạt động sở hữu trí tuệ được tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người sản xuất và kinh doanh. Điển hình là việc bảo hộ nhãn hiệu xoài tròn (Yên Châu) đã thúc đẩy người dân phát triển diện tích cây xoài, chú trọng chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Thông qua hoạt động hỗ trợ xây dựng, áp dụng và chứng nhận hợp quy đã giúp người dân từng bước tiếp cận các phương thức quản lý, hoàn thiện quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm nâng cao và có tính ổn định, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

 

Thời gian tới, Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020” sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên gia về năng suất chất lượng; khảo sát, đánh giá đúng thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trọng điểm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để cùng với các doanh nghiệp hoạch định biện pháp và lộ trình cải tiến năng suất, chất lượng tại đơn vị. Từ đó xác định nhu cầu của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ một cách phù hợp. Phấn đấu xây dựng 20 doanh nghiệp điển hình toàn diện (thuộc nhóm doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hàng hóa trọng điểm) về cải tiến năng suất, chất lượng. Hỗ trợ 1 đơn vị xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2007. Bên cạnh đó, Dự án sẽ hỗ trợ 80 doanh nghiệp được xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO 9001:2008, ISO 14000, ISO 22000, ISO 50001, các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng và mô hình quản lý tinh gọn...

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới