Được ví như hòn ngọc của vùng Tây Bắc, Sơn La có thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ và 12 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó, dân tộc Thái có số lượng đông nhất, chiếm 54,76% tổng dân số của tỉnh. Nền văn hóa Thái đã góp phần tạo nên nền văn hóa, nghệ thuật độc đáo, phong phú và đa dạng của cộng đồng các dân tộc Sơn La.
Tó mák lẹ - trò chơi dân gian của dân tộc Thái.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng về xây dựng và thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số, tỉnh ta xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở Sơn La trong quá trình hội nhập và phát triển. Từ yêu cầu thực tiễn, Đề tài khoa học “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở Sơn La trong quá trình hội nhập quốc tế” được triển khai từ tháng 6/2012, do Tiến sỹ Thào Xuân Sùng (hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương) làm Trưởng Ban chỉ đạo, Chủ nhiệm đề tài; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì.
Đề tài đã nghiên cứu thực trạng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái từ khi đến sinh sống trên mảnh đất Sơn La trong mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc và trong cả nước để đối chiếu, so sánh lựa chọn, đưa ra những giải pháp khả thi nhất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Thái.
Sau 5 năm nghiên cứu, Ban Chủ nhiệm đề tài đã thực hiện công trình nghiên cứu gồm 5 phần: Những vấn đề chung; văn hóa vật chất; văn hóa tinh thần; văn hóa dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La; giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La trong quá trình hội nhập và phát triển. Đề tài gồm 15 chương với 55 tiết, cùng bộ tài liệu tham khảo, phụ lục về các giá trị văn hóa tiêu biểu; hệ thống một số vấn đề lý luận và văn hóa, đặc điểm tộc người và quá trình hình thành của dân tộc Thái ở Sơn La; văn hóa vật chất và tinh thần với những giá trị tốt đẹp, những khó khăn thách thức cùng những giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái. Ngoài ra, đã phát hành bộ đĩa DVD giới thiệu những nét chân thực về kiến trúc nhà ở, về dân ca, về ẩm thực, về nghề thủ công, về chữ viết, về phong tục cưới hỏi, phong tục tang lễ, về trò chơi và lễ hội... khẳng định những đóng góp quan trọng và sức sống mãnh liệt của văn hóa dân tộc Thái trong vườn hoa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Đề tài nghiên cứu đã góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở Sơn La, tạo tiền đề để tiếp tục triển khai nghiên cứu về các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đưa ra những vấn đề lý luận về dân tộc và văn hóa, giá trị văn hóa và giá trị văn hóa Việt Nam, dẫn chứng tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng về văn hóa, miền đất và con người, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của dân tộc Thái ở Sơn La trong quá trình hội nhập và phát triển. Đặc biệt, Đề tài đã đưa ra được những giải pháp giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Thái: Tăng cường chất lượng sử dụng ngôn ngữ dân tộc Thái trên các phương tiện thông tin đại chúng, bảo tồn phát huy sách chữ Thái cổ; đẩy mạnh công tác quản lý và nâng cao các hoạt động văn hóa trong cộng đồng dân cư, nhất là việc nâng cao chất lượng và đổi mới hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng ở các thôn, bản, tiểu khu, tổ dân phố, nhằm tạo không gian bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống; triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa tốt đẹp và sản xuất các ấn phẩm văn hóa, văn nghệ có giá trị tư tưởng và nghệ thuật về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, đặc biệt là đầu tư cho công tác sưu tầm, phục dựng các lễ hội, các diễn xướng dân gian, giàu tính nhân văn và mang đậm bản sắc dân tộc...
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh đánh giá đạt loại xuất sắc, đây là cơ sở khoa học góp phần giúp cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La trong quá trình hội nhập và phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!