Tại Hội nghị tổng kết đánh giá 2 năm áp dụng triển khai công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel trên địa bàn, tỉnh ta đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, đã chỉ rõ “Chưa tạo lập được mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chưa hình thành được hợp tác xã, tổ sản xuất, doanh nghiệp đỡ đầu nên còn khó khăn trong việc triển khai đồng bộ về khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm...”. Vậy, đâu là giải pháp để tỉnh ta phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao, nông sản sạch?
Trồng cam trên đất dốc tại bản Thịnh Lang 2, xã Tân Lang (Phù Yên).
Muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông sản sạch, trước hết, phải ứng dụng những thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, bao gồm cả thiết bị máy móc cũng như công nghệ thông tin, mạng xã hội, các phương thức kết nối phi truyền thống vào lĩnh vực nông nghiệp, để sản xuất nông sản hàng hóa có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao. Ông Phạm Thế Cường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh, cho biết: Việc áp dụng công nghệ cao cần phải đảm bảo tiêu chí thân thiện với môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, để giải bài toán nông nghiệp công nghệ cao với sản phẩm nông sản sạch thì cần phải có sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp, khoa học và người nông dân. Trong đó, khâu liên kết giữa nhà đầu tư và nhà nông đóng vai trò quan trọng. Để làm được điều này, cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao bằng cách ưu đãi cho các doanh nghiệp, nông dân thực hiện nông nghiệp công nghệ cao theo hướng phát huy lợi thế địa phương và bảo đảm người nông dân ở bất kỳ cơ sở, quy mô nào cũng được tạo điều kiện và khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; chủ động xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản rộng khắp. Đồng thời, cần phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tích tụ ruộng đất, quan tâm dồn điền đổi thửa, đảm bảo diện tích đất tập trung để thuận lợi cho việc triển khai áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ông Phan Quý Dương, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Phù Yên, một trong những địa bàn đã và đang sản xuất được nhiều sản phẩm nông sản sạch, khẳng định: Để xây dựng được nông nghiệp công nghệ cao thì cần nhiều giải pháp. Trong đó, cần phải quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh gắn với việc nâng cao sản lượng xuất khẩu có chất lượng. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến và lồng ghép chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh với các nhiệm vụ phát triển của ngành, địa phương; nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý trong việc kiểm soát quy chuẩn chất lượng các sản phẩm nông nghiệp được minh bạch, tin cậy và khuyến khích đầu tư, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch với đặc thù giá thành cao; xử lý nghiêm minh các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, cần phải quan tâm việc dự báo để cung cấp thông tin thường xuyên về cung, cầu, giá cả thị trường, giúp người nông dân đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm...
Một thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh vẫn đang gặp khó khăn, đó là còn thiếu vốn hoặc khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn cho đầu tư phát triển mô hình. Do đó, cần phải có đột phá trong cơ chế đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là tín dụng cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản sạch. Trong khi, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế cho Nghị định 41, nhằm tạo bước đột phá cả về đối tượng, hạn mức và thủ tục cho vay, khơi thông dòng vốn tín dụng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn cần sớm hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế cho vay thuận lợi, thông thoáng nhất theo Nghị định đã ban hành. Đồng thời, thay vì một ngân hàng thương mại triển khai Nghị định 55 thì Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cần có cơ chế, chính sách để cho nhiều ngân hàng thương mại cùng cạnh tranh, tham gia nâng cao chất lượng tín dụng, tách bạch rõ giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại...
Hình thành một nền nông nghiệp công nghệ cao, nông sản sạch là một trong những việc làm cần thiết trong xu thế phát triển hiện nay. Do vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về nội dung này; các địa phương, cơ sở thuộc quy hoạch tổng thể khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần phải chủ động huy động nguồn lực, bảo đảm đủ kinh phí đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp kiểu mới; kết nối toàn quốc và khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến, góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!