Trong những năm qua, đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh đã không ngừng thi đua lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phương pháp tổ chức; nhiều sáng kiến mới được áp dụng và mang lại hiệu quả rõ rệt, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục... góp phần tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Hội đồng xét đánh giá các giải pháp đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh đợt 1 năm 2017.
Mỗi năm, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức 2 đợt tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét, công nhận sáng kiến cấp tỉnh của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh (đợt 1 nhận hồ sơ vào tháng 5 và đợt 2 vào tháng 11 hàng năm). Trong đó, Đợt 1 năm 2017, Sở đã tiếp nhận 50 hồ sơ đề nghị xét, đánh giá công nhận sáng kiến cấp tỉnh và 6 hồ sơ đề nghị đặc cách công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Qua đó, tổ chức 2 phiên họp xét, đánh giá sáng kiến cấp tỉnh đợt 1 năm 2017 với sự tham gia của các đơn vị thành viên gồm lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Thi đua khen thưởng, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và các chuyên gia Trường Đại học Tây Bắc, Sở Y tế. Trên cơ sở đánh giá về tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả và khả năng nhân rộng của các giải pháp, có 25 tác giả, nhóm tác giả được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận sáng kiến cấp tỉnh đợt 1 năm 2017.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác này vẫn còn một số mặt hạn chế: Một số cơ quan, đơn vị chưa thành lập hội đồng sáng kiến cấp cơ sở để chỉ đạo và thúc đẩy hoạt động sáng kiến, hoặc hội đồng sáng kiến hoạt động chưa thường xuyên; vai trò phối hợp quản lý chỉ đạo chuyên môn chưa chuyên nghiệp; một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức và chưa nắm bắt qui trình, thủ tục xét, công nhận sáng kiến; vẫn có trường hợp sao chép sáng kiến hoặc nội dung trùng nhau hoặc “đánh trống ghi tên” để được công nhận đồng tác giả; mặt khác, một số thành viên Hội đồng sáng kiến các cấp chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thẩm định các sáng kiến, giải pháp công tác; các sáng kiến được công nhận làm cơ sở xét khen thưởng chủ yếu là sáng kiến về giải pháp trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, chưa có nhiều sáng kiến vể cải tiến kỹ thuật, sáng kiến trong ứng dụng tiến bộ KHKT...
Trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La cho biết: Đối với các giải pháp đã được công nhận là sáng kiến các cấp, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch áp dụng, nhân rộng và thường xuyên cải tiến để phát huy hiệu quả sáng kiến; xem xét bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ để tác giả hoàn thiện và nhân rộng sáng kiến. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, công nhân viên trong doanh nghiệp phát huy sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong lao động, sản xuất. Coi đây là nhiệm vụ lãnh đạo trọng tâm, thường xuyên đối với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung và thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan nói riêng. Các cá nhân cần đảm bảo tính trung thực và nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về xét công nhận sáng kiến, như: Quyền tác giả sáng kiến, điều kiện công nhận và thời gian nộp hồ sơ đề nghị công nhận; cơ quan thường trực Hội đồng xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước, của tỉnh về xét công nhận sáng kiến để nâng cao chất lượng công nhận sáng kiến ngay từ cấp cơ sở.
Có thể nói, việc xem xét, đánh giá, công nhận và không ngừng tạo điều kiện để phát huy hơn nữa phong trào sáng kiến ở mỗi đơn vị, địa phương; khuyến khích tính năng động, sáng tạo của đội ngũ CNVCLĐ góp phần vào xây dựng và kiến thiết quê hương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!